Không có nhà thơ trung ương hay địa phương, chỉ có thơ hay và thơ dở

14:27, 13/04/2008

Vẫn vuông vức, chắc khoẻ, chân quê như cách đây chục năm tôi nhìn thấy, Nhà thơ Trần Đăng Khoa hút hồn người đối diện bằng lối nói chuyện dí dỏm, thông minh, khúc triết. Nhưng  hôm nay tác giả "Góc sân và khoảng trời", "Hạt gạo làng ta" nổi tiếng lại hướng câu chuyện của mình đến vấn đề lớn hơn: Mối quan tâm của ông về những cây bút của miền núi và dân tộc thiểu số.

Trần Đăng Khoa bây giờ là Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức và hội viên, Giám đốc Hệ VOV ti-vi của Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh có mặt ở Thái Nguyên để dự Đại hội lần thứ nhất Chi hội Nhà văn Việt Nam. Bởi thế, việc Nhà thơ quan tâm đến phát triển hội viên và bày tỏ kỳ vọng vào những người cầm bút Thái Nguyên cũng là điều dễ hiểu.

Thái Nguyên không chỉ là đất lịch sử cách mạng mà còn là cái nôi của nền văn học nghệ thuật Việt Nam- Trần Đăng Khoa khẳng định như vậy. Và anh chứng minh: Sông Lô của Văn Cao; Bầm ơi của Tố Hữu; Làng của Kim Lân là những tác phẩm nổi tiếng ra đời từ đây. Hiện nay, Thái Nguyên có 6 hội viên chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam, 6 tác giả khác đã có đơn xin vào hội. Chi hội đã bầu được người lãnh đạo có kinh nghiệm là Nhà phê bình văn học Lâm Tiến và nhà văn trẻ, có lối viết truyền thống mà hiện đại là Bùi Như Lan, tôi hy vọng Chi hội sẽ nắm bắt tốt hơn tình hình văn nghệ địa phương, không bỏ sót tác giả có tài, tác phẩm hay để giới thiệu, bổ sung đội ngũ cho Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhắc đến một số tác giả của Thái Nguyên tuy chưa là hội viên Hội Nhà văn nhưng đã quen thuộc với độc giả cả nước như Võ Sa Hà, Thế Chính, Hiền Mặc Chất....

Nhà thơ bày tỏ: Chúng ta không phân biệt nhà văn trung ương hay nhà văn địa phương mà chỉ có văn hay và văn dở mà thôi. Ở Liên Xô (cũ), hầu hết nhà văn nổi tiếng không nằm ở thủ đô Matxcova. Raxun gamzatôp, dân tộc Avar ở tận đất nước Đaghextan có những tác phẩm chấn động thế giới như “những ngôi sao xa”, “Đaghexta của tôi”; hay như Nhà thơ Ai ma tốp cũng ở tận Kirghizia đã có những tác phẩm nổi tiếng được dịch ra tiếng Việt như Jamilia, Cây phong non trùnm khăn đỏ, Chuyện núi đồi và thảo nguyên... 2 nhà văn này ở cách thủ đô hàng nghìn cây số.

Tôi nghĩ, các cây bút miền núi và dân tộc thiểu số của chúng ta cũng vậy, nếu được trang bị tri thức và văn hoá, nếu anh có thể vượt ra khỏi được dãy núi của quê anh, khai thác tốt nét bản sắc của quê hương, anh sẽ viết hay hơn hẳn người miền xuôi. Nhà thơ Y Phương là một người như thế. Tuy nhiên, cũng có nhà văn về sống ở thủ đô nhưng vẫn vác trái núi quê hương trên lưng thì sẽ bị lạc trong khu rừng của chính mình. Tôi nghĩ rằng, nếu được trang bị thông tin, nếu thực tài, tác giả miền núi sẽ thành công.