Khúc khải hoàn tháng Tư

03:41, 28/04/2008

Vào một ngày cuối tháng tư năm 1975, khi Sài Gòn được giải phóng hoàn toàn, đất nước thống nhất, thì cũng là lúc vang lên những ca khúc khiến ta mãi mãi không quên. Ðó là bản đồng ca cho ngày toàn thắng mang tên "Như có Bác trong ngày đại thắng" của nhạc sĩ Phạm Tuyên và khúc ca khải hoàn tháng tư  "Ðất nước trọn niềm vui" của nhạc sĩ Hoàng Hà.

Trong cuộc đời sáng tạo của mỗi nghệ sĩ, trong đó có các nhạc sĩ, có những giây phút thăng hoa khác thường để sáng tạo nên những  tác phẩm còn mãi với thời gian, trong những thời khắc lịch sử  nhất định.

 

Cách mạng Tháng Tám thành công đã khiến chàng nhạc sĩ trẻ Xuân Oanh tạo nên giai điệu hùng hồn bài ca "19 tháng 8". Ðất nước lại có giây phút lịch sử sau đó chín năm khi quân ta đại thắng ở Ðiện Biên Phủ khiến nhạc sĩ Ðỗ Nhuận thức suốt một đêm ở chỉ huy sở Mường Phăng viết bản hành khúc "Chiến thắng Ðiện Biên" say đắm.

 

21 năm sau, vào một ngày cuối tháng tư năm 1975, khi Sài Gòn được giải phóng hoàn toàn, đất nước thống nhất lại một lần nữa vang lên những tác phẩm âm nhạc khiến ta mãi mãi không quên. Ðó là bản đồng ca cho ngày toàn thắng mang tên "Như có Bác trong ngày đại thắng" của nhạc sĩ Phạm Tuyên và khúc ca khải hoàn tháng tư  "Ðất nước trọn niềm vui" của nhạc sĩ Hoàng Hà.

 

"Ðất nước trọn niềm vui" đã được giọng nam cao của Trung Kiên thả vào đầy men say chất ngất của chiến thắng trong mỗi dịp 30-4 hằng năm. Tên của bài ca đã được chọn làm tên của tập bài hát nhiều tác giả viết về đề tài đó do Nhà Xuất bản Văn hóa ấn hành năm 1975 và mười năm sau được  tái bản có bổ sung vào năm 1985.

 

Hoàng Hà tên khai sinh là Hoàng Phi Hồng, sinh ngày 1-12-1929 tại một làng hoa Hà Nội bên Hồ Tây. Ngay từ niên thiếu, những bài ca thời tiền chiến đã ngấm vào tâm hồn chàng trai trẻ. Sau Cách mạng Tháng Tám, 16 tuổi, Hoàng Hà thoát ly gia đình và trở thành Tổng phụ trách thiếu niên toàn huyện Yên Lãng (Phúc Yên).

 

Sau đó, ông bắt đầu những sáng tạo trong âm nhạc của mình. Nhiều người trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp đã rất quen thuộc với giai điệu "Hò dân công", "Vui lên đường" của  Hoàng Hà. Nhưng phải đến khi viết bài  ca "Ánh đèn cầu Việt Trì" vào năm 1956, sau khi cây cầu được khánh thành nối thông tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai thì nhiều người mới biết đến ông.

 

Sau "Ánh đèn cầu Việt Trì", Hoàng Hà còn có một hành khúc rất ấn tượng "Tiếng hát ngày thứ bảy cộng sản" viết về  phong trào ngày thứ bảy cộng sản của công nhân Nga sau Cách mạng Tháng Mười.

 

Năm 1962, Hoàng Hà vào học tại khoa sáng tác - lý luận hệ đại học ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Việt Nam). Ra trường, ông về làm biên tập viên âm nhạc Ðài Tiếng nói Việt Nam. Khi ấy, những tác phẩm của Hoàng Hà như "Ba cái cây", "Tiếng chim trên công trình thủy lợi", "Buổi sớm trên đồng", "Vĩnh Phúc quê tôi"... được nhiều người biết đến.

 

 Sau đó một thời gian dài, ông thường chuyên tâm vào biên tập, giới thiệu tác phẩm của đồng nghiệp. Vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Hoàng Hà bỗng xuất hiện trở lại rất đĩnh đạc qua bài ca "Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn" - một bài hát viết về Trường Sơn khá ấn tượng bởi âm hưởng ngợi ca tình hữu nghị Việt - Lào anh em.

 

Ðặc biệt hơn, với bút danh Cẩm La, ông lại đưa ra một hành khúc mang tên "Cùng hành quân đi giữa mùa quân": Khi tiếng chim hót vang muôn lời ca/Là khi nắng tỏa rộn bước quân hành ca/Thì em có nghe tiếng mùa xuân gọi...

 

Những ai từng có thời hành quân trên dãy Trường Sơn những năm 70 của thế kỷ trước, thường nghe vang lên đâu đó trong rừng già, bên khe suối những giai điệu đó. Khi nghe "Ðất nước trọn niềm vui" của Hoàng Hà giữa Sài Gòn mới giải phóng, tôi cảm động ứa nước mắt, vậy là chiến thắng lần này đã có khúc ca khải hoàn của nó.

 

Mở đầu bài ca viết ở giọng pha trưởng, tác giả đã ghi trên khuông nhạc: "Thiết tha - rộn ràng - say đắm". Và câu nhạc mở đầu với những đảo phách diễn tả niềm vui về chiến thắng:

 

Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ/tung bay

Rộn ràng và/mê say

Những bước chân dồn về đây

 

 Nhưng vẫn thâm trầm, bình thản:

 

 Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi

Một ngày vui giải phóng

 

 Âm nhạc được  lặp lại và để dâng lên say đắm hơn. Nếu trước đó ít lâu, vào đầu mùa xuân, ở Sài Gòn chưa giải phóng, Trịnh Công Sơn còn trăn trở với "Một cõi đi về" mà Trăm năm vô biên - chưa từng hội ngộ - chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà..., thì chỉ sau vài tháng, vào một ngày cuối tháng tư, Hoàng Hà đã có câu trả lời:

 

 Ôi! hạnh phúc vô biên

Hát nữa đi em

Những lời yêu thương

 

 Âm nhạc diễn tả niềm vui không nói được nên lời bằng đoạn hát giọng ngâm "Hò... ơ... ờ". Sau chất ngất, là trạng thái rạo rực đến bay bổng, đến thăng hoa:

 

Hội toàn thắng náo nức đất nước

Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang

Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam

Tổ quốc Anh hùng...

 

 Vẫn âm nhạc ấy, nhưng đoạn quay lại được tạo thêm rạo rực bởi đảo phách lại xuất hiện:

 

 Ðời rực sáng những/ ánh mắt lấp lánh

Ta muốn ôm hôn mỗi tấc đất quê hương

Ta muốn ca vang bước chân những người chiến sĩ

Giải phóng kiên cường...

 

 Âm nhạc với ca từ như mê đi trong ánh sáng hoa đăng của giây phút diệu kỳ khải hoàn:

 

 Ðêm hoa đăng những môi cười là bó hoa đời tươi thắm tuyệt vời

Ðẹp niềm tin mãi mãi

Tổ quốc muôn đời trọn vẹn

Cả non sông thống nhất

Rạng rỡ Việt Nam

 

Ðến "Ðất nước trọn niềm vui", Hoàng Hà đã sử dụng đến nốt cao nhất của giọng nam cao, lên thẳng, cao vút: "Rạng rỡ Việt Nam".

 

Sau khi viết "Ðất nước trọn niềm vui", mười năm sau, tác giả của "Khúc khải hoàn tháng tư" đã vào định cư tại Ðặc khu Vũng Tàu - Côn Ðảo và làm Giám đốc Nhà văn hóa trung tâm, rồi làm Phó Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật đặc khu. Ở tuổi ngoài bảy mươi, Hoàng Hà đã cùng con trai cả là nhạc sĩ Hoàng Lương viết một bản giao hưởng hợp xướng gồm bốn chương mang tên "Côn Ðảo" tưởng nhớ những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trên mảnh đất này.

 

 Từ "Ðất nước trọn niềm vui" đến "Côn Ðảo" là một bước đi tới tầm vóc đỉnh cao của người nhạc sĩ làng hoa Hà Nội.