“Dù ai đi ngược về xuôiNhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”
Được về thăm đất tổ đúng vào dịp chính hội, trong tiết trời xuân mát mẻ, trong lòng những người làm báo Đảng chúng tôi trào dâng một tình cảm thật thiêng liêng, xúc động, cũng thật khó diễn tả bằng lời: Đó là sự tri ân, thành kính pha lẫn niềm tự hào, lòng biết ơn sâu sắc. Từ sáng sớm, các con đường dẫn lên các đền thờ tại Đền Hùng đã chật kín người.
Theo trình tự, du khách thập phương đến thắp hương, vái Tổ tại Đền Thượng- nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, cũng là ngôi đền nằm ở vị trí cao nhất. Tương truyền rằng, các vua Hùng thường lên điện ở trên núi này làm lễ tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đất nước thái bình, bền vững muôn đời; tiếp đó là Đền Trung- nơi các vua Hùng thuờng họp bàn việc nước cùng các Lạc hầu, Lạc tướng; rồi đến Đền Hạ- ngôi Đền được xây dưới triều nhà Lê (khoảng thế kỷ 17-18). Huyền thoại cho rằng, tại khu vực Đền Hạ, Âu Cơ có mang rồi sinh ra một bọc trăm trứng nở ra trăm người con trai. Vì lẽ đó, nhân dân ta gọi nhau là đồng bào, tất thảy đều là anh em một nhà.
Cùng với đó, du khách còn đến thắp hương tại Đền Mẫu Âu cơ tọa lạc trên đỉnh núi Vặn, ở độ cao 171m so với mặt biển; Đền Giếng- nơi có mạch nước ngầm từ trong núi chảy ra, xưa kia hai Mỵ nương Tiên Dung và Ngọc Hoa con gái vua Hùng thứ 18 thường đến bên giếng này chải tóc. Cũng tại nơi đây, ngày 18-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngủ lại qua đêm và hôm sau có buổi nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Lời Người dặn năm nào đã trở thành chân lý, thành lời thề sắt son với tổ tiên, đất nước.
“Các vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
Du khách về với Đền Hùng không phải là để khám phá, tìm hiểu về những điều mới lạ mà là để tìm về với đời sống tâm linh, với nguồn cội của dân tộc để từ đó thêm yêu, thêm tự hào về truyền thống ông cha. Đặc biệt, vào những ngày tháng 3 âm lịch này, trong tâm tưởng mỗi người con đất Việt, dù ở bất cứ đâu, theo bất cứ tôn giáo nào cũng muốn được tìm về mảnh đất của ông cha, được thắp nén hương thơm tưởng nhớ đến tổ tông, đến ông bố Lạc Long Quân và bà mẹ Âu Cơ đã sinh ra nòi giống tiêng rồng.
Bà Trần Thị Hà, huyện Đông Anh (Hà Nội), năm nay đã 76 tuổi không giấu được niềm xúc động: Từ nhở đã sống ở miền Nam, tôi mới ra ở cùng con trai ngoài này được 2 năm. Năm trước do ốm nên không về được với đất Tổ, trong lòng cảm thấy như có lỗi. Năm nay, tôi phải quyết tâm thực hiện được niềm mong ước bấy lâu.
Cũng giống như nhiều dân tộc trên thế giới, người Việt có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nhưng có lẽ, chỉ có duy nhất người Việt là có chung ngày giỗ Tổ. Trong tâm thức của người Việt, giỗ Tổ là một tín ngưỡng, một nghi lễ đặc biệt, là ngày để con cháu kính dâng hương hoa lễ vật, tri ân công đức tiền nhân đã sản sinh nòi giống, mở lối đắp nền để dân tộc mãi trường tồn.