Khai giác là bản giao hưởng - hợp xướng đồ sộ đầu tiên viết về đề tài Phật giáo. Nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo lấy cảm hứng từ bài kệ dài 7 trang. “Ẩn hiện hư vô tính linh khai giác” của tác giả Ngô Minh Thơm kết hợp với triết lý về đạo Phật trong bài “Khóa thực hư” của vua Trần Thái Tông để lồng vào câu chuyện về cuộc đời của đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni.
Bản giao hưởng - hợp xướng gồm 7 chương ứng với 7 tuần Thái tử Sĩ Đạt Ta nhập thiền, không ăn không ngủ và giác ngộ trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni - giáo tổ khai sáng đạo Phật. Bảy chương gồm: Thiền 1 (mở đầu), Tử, Sinh, Trừ tà, Thiền 2, Bay lên và Niết bàn. Đây cũng là số chương kỷ lục với một tác phẩm thuộc thể loại giao hưởng ở VN.
Nhạc sỹ đã khai thác âm nhạc Phật giáo bằng cách đưa phần âm nhạc đọc kinh vào tác phẩm như một trong những nhân tố chính. Giọng đọc kinh toát lên được cái thần, sự thanh cao, viên tịch mà lại đầy uy lực, quyến rũ do đại đức Thích Đức Thiện đảm nhận. Ông cùng các nghệ sĩ trẻ Quốc Hưng (giọng nam trầm và đọc thơ), Bích Thủy (giọng nữ cao) và Lê Anh Dũng (giọng nam cao) để đảm nhận 4 vị trí solo. Tác phẩm được dàn dựng với số nghệ sĩ tham gia biểu diễn lên tới 500 người (200 nghệ sĩ thuộc dàn nhạc và 300 nghệ sĩ hợp xướng). Một tốp chỉ huy giúp cho nhạc trưởng từng bè gồm có các nhạc sĩ Nguyễn Hòa Bình, Phạm Ngọc Khôi và Đặng Châu Anh với sự tham gia của sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia VN.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã miệt mài làm việc trong 8 tháng trời để soạn bản giao hưởng - hợp xướng có độ dài liên tục 40 phút đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam này.