Hiện nay, chùa Bái Đính được coi là ngôi chùa to và đẹp nhất Việt Nam: có diện tích rộng tới 107ha; tượng Phật bằng đồng nặng 100 tấn được coi là lớn nhất Đông-Nam Á; ba pho tượng Tam Thế, mỗi pho nặng 50 tấn; hai quả chuông lớn nặng 36 và 27 tấn; giếng ngọc lớn nhất và 500 pho tượng La Hán...
Từ cách xa 3 km, quần thể Chùa Bái Đính đã hiện lên như những búp sen khổng lồ, nối tiếp nhau với những mái đao cong vút, đang được gấp rút hoàn thiện, khánh thành giai đoạn một vào ngày 17-5 cho những hoạt động nhân Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Việt Nam.
Nằm cách trung tâm thành phố Ninh Bình 12km, cách cố đô Hoa Lư 5km, khu chùa Bái Đính được xây dựng khá hòanh tráng trên đồi núi cao tại xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình, giáp sông Hoàng Long và Khu du lịch Tràng An.
Khu chùa Bái Đính được xây ngay bên cạnh chùa Bái Đính cũ rêu phong, trầm mặc. Tại khu chùa Bái Đính, một trục “Thần đạo” gồm điện thờ Tam Thế, điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, điện Pháp Chủ, gác chuông, cổng Tam quan, hồ Phóng sinh. Đứng ở sân chùa Bái Đính trông ra là bốn bề sông nước và núi đá vôi rất hữu tình, đặc trưng của vùng Gia Viễn, nơi được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn”.
Qua một vườn sinh vật cảnh độc đáo, xuống phía dưới, theo độ dốc của đồi là Điện thờ Pháp Chủ gồm hai tầng mái cong, có 8 mái ở bốn phía. Điện thờ Pháp Chủ cao 27m, dài 47,7m, rộng 43,2m. Đặc biệt, điện có đặt một tượng Phật tổ Như Lai cao 16m, nặng 100 tấn, đúc bằng đồng nguyên chất. Phần bệ xây để đặt đài sen đã cao ngang mặt một người lớn.
Đây được coi là pho tượng không chỉ lớn nhất Việt
Điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát có một tầng mái cong. Tiếp đó là đến một sân chùa, một vườn cây, tháp chuông lớn. Tháp chuông này có kiến trúc bát giác theo kiểu chồng diêm, gồm ba tầng mái cong, với tất cả 24 mái ở tám phía với các đầu đao. Một quả chuông nặng 36 tấn được treo tại tháp chuông này. Ngoài ra, phía bên trái tòa Tam Thế cũng có treo một quả chuông cao 5,6m, nặng 27 tấn. Các quả chuông lớn này ở khu chùa Bái Đính đều do các nghệ nhân Huế đúc với các đường nét hoa văn, chạm khắc tinh xảo.
Xuống thấp hơn, từ hai phía của Tam quan là các dãy nhà hành lang bao bọc khu chùa lên đến Điện Tam Thế. Trong các nhà hành lang này đặt tượng 500 vị La Hán tạc bằng đá trắng nguyên khối, mỗi tượng cao quá đầu người (2,3m), có hình dáng khác nhau. Toàn bộ tượng ở đây do những người thợ tài hoa ở làng chạm khắc đá Ninh Vân (Ninh Bình) miệt mài thực hiện từ gần ba năm nay. Hiện mới có khoảng 200 pho tượng chuyển đến khu chùa Bái Đính, đặt thành hàng thẳng tắp và đều được đánh số theo thứ tự. 300 pho tượng La Hán còn lại sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2008.
Công trường xây dựng chùa Bái Đính có hơn 500 công nhân làm việc, họ là những người thợ đến từ những làng nghề nổi tiếng về xây dựng, điêu khắc, sơn mài như Quế Võ, Từ Sơn (Bắc Ninh), Kim Sơn, Yên Mô (Ninh Bình), Ý Yên (Nam Định), Huế…. Đó là chưa kể đến hàng trăm chiếc máy xúc, máy ủi, xe tải… vận chuyển, hoạt động liên tục.
Khu chùa lớn nhất Việt Nam dự kiến đến năm 2010 sẽ hoàn thành tòan bộ để kỷ niệm 1.000 năm Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng long (1010 – 2010). Khi ấy, khu vực chùa Bái Đính còn được mở rộng với một không gian lớn về phía trước cửa tam quan và phía sau điện Tam thế gồm giếng Ngọc, hồ Phóng Sinh, hồ Đàm Thị, khu thờ Mẫu, khu thờ Tổ, khu tháp mộ sư, khu nhà Tăng thiền viện, khu nhà khách, bảo tháp 14 tầng và khu Bảo tàng Phật giáo Việt Nam...
Theo những người dân sống chung quanh khu vực này, chùa mới nằm ở vị thế khoáng đạt, trước mặt sông chảy qua, án ngữ bởi hai khối núi như long chầu hổ phục. Cảnh nên thơ trên bến dưới thuyền trong khu vực chùa Bái Đính sẽ thu hút đông đảo khách thập phương.