Nhà sàn Bác Hồ- nơi toả sáng nhân cách một nhà văn hoá lớn

14:57, 15/05/2008

Kỷ niệm 118 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2008) và 50 năm Bác Hồ về sống và làm việc tại nhà sàn- Khu Phủ Chủ tịch, sáng 15/5, Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức Toạ đàm khoa học "50 năm nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch"

Tham dự buổi Tọa đàm có nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học; đặc biệt có 3 nhân chứng lịch sử: Ông Mai Xuân Khiêm- người trực tiếp tham gia xây dựng nhà sàn Bác Hồ năm 1958; ông Tạ Quang Chiến- nguyên cán bộ Cục Cảnh vệ và ông Lê Hữu Lập- nguyên cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước.

 

 Hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định giá trị di tích nhà sàn trong việc tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tìm ra những giải pháp, đề xuất những giải pháp phát huy tác dụng của di tích nhà sàn Bác Hồ, đồng thời thông qua toạ đàm bổ sung những tư liệu mới liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại di tích nhà sàn nói riêng, di tích Phủ chủ tịch nói chung.

 

Sau 4 năm ở tạm trong một ngôi nhà nhỏ của người thợ điện phục vụ cho phủ Toàn quyền Đông Dương cũ, năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức chuyển sang ở ngôi nhà sàn bằng gỗ được xây dựng ở một góc vườn Phủ Chủ tịch. Ông Mai Xuân Khiêm nhớ lại: "Việc xây dựng ngôi nhà sàn được tiến hành khoảng từ tháng 2 đến tháng 5/1958. Có khoảng hơn 40 người tham gia việc xây dựng ngôi nhà sàn này và công việc xây dựng được giữ bí mật. Khó khăn là trình độ anh em chưa thạo xem bản thiết kế, nhưng được bác Nguyễn Văn Linh - một kỹ sư trực tiếp chỉ đạo nên công việc được tiến hành thuận lợi.

 

 Việc tập hợp vật liệu từ xa, mãi một thời gian mới đầy đủ”. Kỷ niệm sâu sắc nhất mà ông Mai Xuân Khiêm nhớ là hôm khánh thành nhà sàn, được ngồi liên hoan với Bác, Bác nói chuyện với anh em thân mật như cha với con. Bác đưa thuốc cho anh em hút, rồi chia anh em bánh kẹo, ăn không hết thì bỏ túi mang về.

 

Theo ông Lê Hữu Lập, ngôi nhà sàn Bác ở, thực ra là  mùa hè thì nóng, mùa đông thì rét hơn so với các ngôi nhà bình thường. Nhưng vì không muốn sống xa cách với các tầng lớp nhân dân, nên Bác chọn sống ở đây. Nhà sàn được dựng ở một góc vườn Phủ Chủ tịch, bên cạnh hồ nước nhỏ giữa những vườn cây xanh tươi. Quanh nhà trồng nhiều loài hoa như: nhài, ngâu, dạ lan, hồng, mẫu đơn, phượng vĩ và các loại cây ăn quả như: cam, bưởi, chuối, dừa, vú sữa, đan xen với các cây bóng mát. Nhà sàn gọn ghẽ, mộc mạc, bình dị. Tầng dưới dùng để làm việc, tiếp khách và họp. Tầng trên có hai phòng nhỏ, diện tích mỗi phòng khoảng hơn 10 m2, với những đồ dùng sinh hoạt đơn giản.

 

Ngôi Nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc trong những năm cuối cuộc đời cùng với những dấu ấn kỷ niệm Người để lại là biểu trưng sinh động cho phong cách sống của một vĩ nhân: thanh tao, khiêm tốn, yêu lao động, không ham danh lợi, đạt đến độ mẫu mực, cảm hoá được tình cảm của con người.

 

Trong nửa thế kỷ qua, hàng chục triệu người dân VN và bạn bè quốc tế đã đến thăm di tích này, đều bày tỏ niềm xúc động trước lối sống giản dị, mộc mạc, thanh cao của Bác Hồ. Chính vì thế, theo ông Ông Tạ Quang Chiến, Nhà sàn của Bác Hồ là một di sản văn hoá rất quan trọng, không phải chỉ tồn tại 50 năm, mà di tích này là vĩnh cửu, một di sản vô giá.

 

Di tích này là kỷ niệm sâu sắc đối với hàng triệu con người VN và nước ngoài đến thăm di tích, nhà sàn đi vào tiềm thức, trái tim mọi người, vô cùng thiêng liêng, một giá trị tinh thần vô giá. Từ nơi đây, toả sáng nhân cách của một nhà văn hoá lớn- nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh. Cho nên chúng ta phải trân trọng, giữ gìn di sản này để phát huy giá trị của di tích này mãi mãi với lịch sử./.