Đi qua xóm núi Thậm Thình/ Buâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm/ Vua Hùng một sáng đi săn/ Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này / Dân dâng một quả xôi đầy/ Bánh chưng mấy cặp, bánh dầy mấy đôi/ Đẹp lòng, vua phán bầy tôi/ Tìm đất kén thợ, định nơi xây nhà...
Ngay từ ngày còn là học sinh tôi đã rất ấn tượng với những câu thơ này trong bài thơ Qua Thậm Thình, những câu thơ mang âm hưởng cổ tích đọc một lần đã nhớ ấy là của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi. Ông cũng là một trong những tác giả có nhiều bài thơ được đưa vào chương trình sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh.
Sau một thời gian đau yếu, ông đã ra đi vào ngày 8-5-2008, lễ viếng nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi diễn ra lúc 10g-12g ngày 14-5 tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi sinh ngày 5/11/1933 ở xã Thanh Cát, huyện Thanh Chương (Nghệ An) nhưng lại trở thành giáo viên dạy Văn nổi tiếng ở tỉnh Vĩnh Phú khi mới ngoài 20 tuổi.
Năm 23 tuổi, ông trình làng tập thơ Hạnh phúc do Nhà xuất bản Tre Xanh ấn hành. Từ đó đến năm 2002, ông viết hàng trăm bài phê bình, giới thiệu thơ; in ba tập văn xuôi và chín tập thơ mới, trong đó có tuyển tập thơ Nguyễn Bùi Vợi dày 335 trang.
Các tác phẩm tiêu biểu của ông: Con gái cô Út Tịch (truyện thơ, 1968), Trống trận đêm xuân (truyện thơ, 1970), Gươm thề Lũng Nhai (truyện thơ, 1982), Bông hoa cỏ - mặt gương soi (1982), Gió nóng (1983), Nắng đất rừng (truyện dài, 1984), Thơ giữa đời thường (1986)...