Chiếc thuyền nói trên được ông Lê Văn Ái, người dân thôn Long Hồ, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, TT- Huế vớt được khi khai thác cát sạn trên sông Hương, đoạn ở ngã ba Tuần.
Khảo tả bước đầu cho thấy: Thuyền được làm bằng một cây gỗ lim, dài 9,5m; vòng thân rộng gần 1,5m. Hai đầu được tạc thành hình mũi và đuôi thuyền, đặc biệt phần mũi được tạc cong lên. Ở trong lòng thuyền được đẽo rất đều và đẹp.
Hiện thuyền đã được những người trục vớt bán cho ông Tôn Thất Ấn, người dân ở cùng thôn Long Hồ, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế với số tiền gần 10 triệu đồng. Mặc dù chỉ cách khoảng 20m, nhưng ông Ấn phải thuê 20 người mới vận chuyển được thuyền từ bờ sông vào nhà.
Được biết, chính quyền xã Hương Hồ cũng đã kịp thời lập biên bản, yêu cầu ông Ấn bảo quản và không được di chuyển (hoặc mua bán) thuyền độc mộc này trong sáu tháng để các cơ quan có chức năng xem xét. Trao đổi với chúng tôi, ông Tôn Thất Ấn cho biết sẽ ưu tiên chuyển nhượng lại cho các cơ quan chức năng ở TT-Huế. Tuy nhiên quá thời hạn 6 tháng mà các cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc, ông sẽ tự tìm đối tác chuyển nhượng
Theo đánh giá của ông Hồ Tấn Phan, người có nhiều năm nghiên cứu về đồ trục vớt dưới dòng sông Hương: Đây là một hiện vật rất cổ, có niên đại ít nhất cũng hơn 700 năm. Theo ông Phan: “Ở TT-Huế từ lâu không thấy xuất hiện loại thuyền độc mộc, lại được làm bằng gỗ lim quý hiếm như chiếc thuyền vừa được trục vớt. Vả lại cách đây 700 năm, khi người Việt ở phía Bắc vào Huế thì kỹ thuật đóng thuyền của họ đã thuần thục nên chắc chắn họ là chủ nhân chứ không phải là ai khác”.