Hậu trường phim Xích Bích

08:29, 29/07/2008

Báo chí Trung Quốc đã dùng từ “anh hùng” để tả Ngô Vũ Sâm sau khi ông cho ra đời dự án phim đồ sộ làm “rung chuyển” làng điện ảnh Châu Á.

Ngô Vũ Sâm (John Woo) được báo chí phương Tây ca ngợi là bậc thầy phim hành động, đương nhiên trong phim của ông những cảnh chiến trận được công chúng trông đợi nhiều nhất.

 

 Chiêu “hồi quang thuật” (dùng khiên phản quang làm chói mắt ngựa) trên cầu Trường Bản do Ngô Vũ Sâm “tặng” cho Gia Cát Lượng là chi tiết không có trong truyện của La Quán Trung nhưng khi lên phim, hiệu quả hình ảnh của "hồi quang thuật" rất tốt.

 

Cuộc dàn quân bát quái trận đồ, cảnh chiến thuyền quân Tào dàn hàng trên mặt nước với góc máy cảnh toàn rộng từ trên cao rất hoành tráng.

 

Ngô Vũ Sâm chủ trương không làm Xích Bích theo kiểu phim võ hiệp. Những cảnh chiến trận không có các pha phi thân hay múa kiếm “như rồng bay phượng múa”.

 

Trong trận chiến ở Tương Dương, Triệu Vân một mình chiến đấu với quân Tào, trên tay ôm con trai của Lưu Bị. Tuy nhiên vì có thêm phần diễn của phu nhân Lưu Bị nên cảnh chiến đấu của Vân có phần hơi lơi mang cảm giác sốt ruột.

 

Trong cảnh quay phi ngựa giữa trận Bát Quái, con ngựa Hồ Quân cưỡi đột nhiên bật lên hất anh ngã, đoàn phim phải dừng quay vài tiếng. Cảnh thủy chiến ở phần II Quân cũng bị nạn khi dây bảo hiểm của anh tuột làm anh quá đà lao gần xuống sông, nhưng may cả hai lần đều chưa xảy ra chuyện nghiêm trọng.

 

Bên cạnh đó, hai tướng sức địch muôn người là Trương Phi và Quan Vũ đều đi bộ chiến đấu. Chỉ có điều, vì đất diễn của hai nhân vật này hơi ít nên tính cách và hình tượng của họ bị mờ nhạt, một chiều.

 

Đặc biệt nhất phải kể đến màn chiến đấu của Chu Du. Hình thể của diễn viên Lương Triều Vỹ không có được sự cao to dũng mãnh như các nhân vật võ tướng  khác, Ngô Vũ Sâm và chuyên gia chỉ đạo võ thuật cho ông là Timmy Yip (đạo diễn võ thuật của phim Ngọa hổ tàng long) đã phải tìm cách làm nổi nhân vật này.

 

Chu Du vào trận trên lưng ngựa, sử dụng kỹ xảo hình ảnh tạo ấn tượng, đồng thời tạo cớ cho màn “đỡ tên cứu Triệu Vân” để tôn vinh phẩm cách Chu Du.

 

Ngô Vũ Sâm cũng vô cùng hài lòng với thế võ đặc biệt Timmy Yip thiết kế cho Vỹ: rút tên trên mình rồi chạy nhảy lên đâm xuyên gáy một tướng Tào đang ngồi trên ngựa. Động tác và góc quay cực đẹp làm mãn nhãn khán giả.

 

Tuy một vài chuyên gia về võ và khán giả bình luận, thực ra chiêu đó không hợp lý lắm: với sức bật từ vị trí thấp và tư thế ngược chiều như vậy, Chu Du khó có thể tạo ra lực đủ mạnh để xuyên thủng mũi tên qua cổ một người đang ngồi trên ngựa. Nhưng có hề gì, điện ảnh không có chỗ cho những suy luận logic duy vật lý.

 

Sau hơn 10 năm ấp ủ dự án, vì giấc mơ dài của mình, Sâm bỏ ngoài tai tất cả nhữgn lời công kích, chăm chú công việc của mình, quan tâm từ chi tiết nhỏ đến lớn, xây dựng bối cảnh tới thiết kế trang phục.

 

Ngô Vũ Sâm nói khi làm phim này ông “không chỉ muốn đưa tới khán giả trận đánh, mà muốn chuyển tải tới họ những xung đột chính trong lịch sử Trung Hoa”.

 

Tuy làm việc ở Hollywood nhiều năm, nhưng Ngô Vũ Sâm vẫn rất duy tâm. Trên trường quay luôn có một bức tượng Phật sau monitor của ông. Tuy nhiên tai nạn trường quay vẫn xảy ra. Sự kiện này cũng khiến nhà sản xuất Trương Gia Chấn phải nhập viện vì quá căng thẳng.

 

Trong ngày công chiếu đầu tiên, Xích Bích được chiếu đồng loạt trên 60 phòng chiếu tại Hồng Kông và mang lại 257.000 USD, vượt xa số doanh thu 124.000 USD từ phim Hancock của tài tử Hollywood đắt giá Will Smith. Riêng ở Trung Quốc con số này là 100 triệu nhân dân tệ chỉ trong 4 ngày khởi chiếu.

 

Tại Hàn Quốc, 131.000 vé đã được bán ra trong ngày công chiếu Xích Bích đầu tiên, gấp đôi lượng vé hai phim của Trương Nghệ Mưu trước đó là Anh hùng (2002) và Thập diện mai phục (2004), mỗi phim chỉ bán được 60.000 vé trong ngày đầu tiên.  Nhà phát hành tại Hàn Quốc nói rằng ông hy vọng sẽ bán được 900.000 vé trong tuần đầu tiên.