Di sản Hán Nôm ở ATK Định Hóa

09:39, 20/08/2008

Di sản Hán Nôm chiếm phần nhiều trong số những tư liệu ở huyện Định Hoá. Những tư liệu này chủ yếu được lưu trữ tại các gia đình người dân tộc có ông cha biết chữ Hán Nôm, làm thầy đồ, thầy cúng, thầy bói và thầy thuốc. Một số nơi còn đình, chùa có sắc phong, bia đá.

Có gia đình còn lưu giữ được hàng trăm cuốn sách như gia đình cụ Nguyễn Công Thượng, xóm Thẩm Quẩn, xã Thanh Định, cụ Hoàng Trọng Nhân, xóm Nà Muồi, xã Phú Đình, cụ Bàng Văn Tu, xóm Bản Giáo, xã Sơn Phú, cụ Trần Văn Biên, xóm Cây Coóc, xã Bình Thành… Một khối lượng sách cổ lớn đến hàng trăm cuốn ở gia đình ông Ma Công Lâm, dân tộc Tày, xóm Bảo Biên 2, xã Bảo Linh. Trong “kho” sách Hán nôm cổ này có nhiều loại sách như: Sắc phong của đình Bản Khen phong cho thần Minh Châu Lương Bình Cấn đại vương vào năm 1924, biên bản bầu Lý trưởng năm Bảo Đại (1941), gia phả, sách xem tướng số, sách cúng phật. ... Gia đình cụ Bàn Sinh Phượng, dân tộc Dao, xóm Đèo Muồng, xã Bảo Linh có trên 11 cuốn sách cổ, tranh cổ. Trong những cuốn sách cổ của gia đình có nhiều sách hát ví bằng chữ Nôm Dao. Hiện chủ nhân của nó còn đọc được, chứ còn ít người biết đọc. Gia đình cụ Hoàng Văn Nhân, 82 tuổi, dân tộc Sán Chí, xóm Nà Muồi, xã Phú Đình có 1 tủ sách, trong đó sách hát ví Sán Chí chiếm một phần, một phần sách làm lễ phong tục đám ma, vào nhà mới, tạ mộ. Trong số sách này, đáng lưu ý có những cuốn chép về địa lý, xem phong thuỷ, hát then, hát ví, hát lượn, hát shi, hát páo dung, gia trạch, giờ tốt là những cuốn sách có giá trị. Phần lớn số sách cổ này dùng để cúng lễ trong dịp vào nhà mới, tang ma, cầu yên, tạ mộ.

 

Đáng chú ý một số quyển sách có giá trị như: Cao Biền phụng thư soạn ghi chép vào năm Bảo Thái Tân Sửu (1721).  Nội dung chép về địa lý, địa chí của tứ trấn thời Lê nước ta, xen kẽ có lời vịnh bằng thơ biến thể. Ngoài ra, có sách đối thơ truyện cổ của dân tộc Tày, truyện thơ nôm khuyết danh nổi tiếng như: Tần Chu, Lưu Đài, Truyện Kiều, Nhị độ mai, Tống Chân- Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Thạch Sanh, Lưu Bình Dương - Dương Lễ, có truyện được các cụ phiên sang cả bằng tiếng Tày như: Truyện Phạm Tải - Ngọc Hoa, Qua nghiên cứu bước đầu, các truyện thơ nôm bằng chữ Hán - nôm hầu hết do nhà xuất bản Quảng Thịnh Đường khắc in năm Khải Định Kỷ Mùi (1919). Tuy vốn Hán nôm của chúng tôi còn nhiều hạn chế chưa thể phiên dịch được hết những tập sách, truyện nôm cổ nhưng chúng tôi cố gắng sưu tầm, tập hợp những tập truyện nôm Tày - Nùng này tương lai để nhờ cơ quan Viện nghiên cứu Hán Nôm có điều kiện giúp đỡ trong một thời gian gần đây. Đây là một trong những phát hiện mới tại cuộc điều tra văn hoá phi vật thể ở vùng ATK- Định Hoá đã tạo nên "chỗ đứng" của nền văn học cổ ở vùng các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên.

 

Ngoài sách cổ ở huyện Định Hoá còn có bia đá, sắc phong như: Bia đình làng Quặng (xã Định Biên), bia khá lớn có tên là Linh Già tự thạch bi ký (bài ký khắc trên đá ở chùa Linh Già) khắc chữ 2 mặt, nội dung ghi việc các dòng họ như dòng họ Ma ở địa phương làm công đức tu sửa chùa, cắt cử người trông nom việc thờ phụng Phật. Bia dựng năm Gia Long thứ 10 (1811). Hiện chùa không còn, tấm bia vẫn được dựng tại nền chùa cũ, bia chùa Bản Cái (xã Thanh Định), có tên Linh Tiên tự thạch bi ký (bài ký ghi việc hưng công tu sử chùa Linh Tiên) khắc 1 mặt, nội dung bài ký luận về đạo Phật, ghi tên các gia đình ở địa phương làm công đức dựng chùa Linh Tiên vào năm Gia Long thứ 10 (1811). Hiện nay, chùa không còn nhân dân đem bia về bảo quản tại UBND xã Thanh Định, bia chùa Hang (thị trấn Chợ Chu) trước đây để  ở ngoài vườn chùa, nay đã được đem vào chùa để bảo vệ. Bia có tên là Hậu Phật bi ký (bài ký ghi việc bầu hậu Phật) dựng năm Duy Tân (1908).

 

Về Sắc phong, tại xóm Khang Hạ (xã Bình Yên) còn bảo tồn được 3 sắc phong của đình chất lượng còn tốt, ở xã Thanh Định cũng lưu giữ 5 đạo, đặc biệt tại nhà ông Phạm Đình Thắng ở xóm Thẩm Quẩn còn bản sắc phong phong cho Bá hộ Phạm Đình Hội ở thế kỷ XVIII, niên hiệu Cảnh Hưng (1784). Gia đình Thắng, nguyên quán ở thôn Quan Bác, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình di cư lên huyện Định Hoá để xây dựng kinh tế mới từ những năm trước đây. Cho đến nay đã mấy chục năm trời. Qua lời kể của ông Thắng thì bản Sắc phong này là đồ gia bảo của dòng họ. Vì ông là trưởng họ nên được giữ bản sắc phong. Văn bản Sắc phong này được gia đình ông Thắng bảo quản rất cẩn thận. Nguyên bản văn bản này là giấy tốt nhưng ông Thắng đã bồi thêm đằng sau một lớp vải lụa cổ, sau đó nẹp 2 bên lề bản Sắc phong bằng 2 cái nẹp rất chắc chắn, mục đích để bảo quản được lâu dài.

 

Việc phát hiện ra những tư liệu Hán Nôm trên là sản phẩm sáng tạo của nhân đân các dân tộic huyện Định Hoá. Chúng tôi chưa có điều kiện để tìm hiểu kỹ tất cả những di sản đó, song rõ ràng những văn bản này là nguồn tư liệu bổ sung thêm cho phần tổng thể các di sản văn hoá phi vật thể ở ATK, có giá trị nghiên cứu về phong tục, tập quán về lịch sử, văn hoá ở địa phương.