Gặp người sáng tác bài hát lịch sử: Mười chín tháng Tám

10:39, 21/08/2008

Có một bài hát được sáng tác ngay trong ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ghi lại khí thế quật cường của toàn dân tộc vùng lên giành độc lập, tự do, đó là bài hát “Mười chín tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh. Bài hát với cái tên giản dị đã giúp chúng tôi, thế hệ sinh ra trong hòa bình cảm nhận được khí thế sục sôi của ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Nhạc sĩ Xuân Oanh vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi vào một buổi sáng đầu thu tháng Tám. Trong căn hộ nhỏ ở số 54, phố Quán Sứ (Hà Nội) được sắp xếp ngăn nắp khoa học, có rất nhiều sách, nhiều tranh vẽ và cây piano đặt trang trọng, người nhạc sĩ dong dỏng cao, có đôi mắt nâu sáng ấy chỉ tủm tỉm cười khi chúng tôi nói rằng ông trẻ trung quá so với tuổi 85 của mình.

 

Nhạc sĩ Xuân Oanh tên thật là Đỗ Xuân Oanh, sinh năm 1923 trong một gia đình nghèo ở Quảng Yên, Quảng Ninh. Bệnh tật và đói rét đã lần lượt cướp đi sinh mạng cha mẹ và anh chị em của ông. Năm 14 tuổi, ông đã phải tự lao động kiếm sống, tự học để thành người. Ông đã từng lăn lộn làm nhiều nghề. Đầu tiên là làm công nhân ở Hòn Gai, được vài năm, cuộc sống quá khó khăn, ông lại về quê làm nghề đúc kẽm, về Hải Phòng làm thợ vẽ, đánh đàn trong tiệm trà để kiếm sống. Năm 1942, ông lưu lạc lên Hà Nội làm nghề đóng giày, dạy học thêm. Cũng trong năm 1942, ông được nhà thơ Nguyễn Đình Thi giác ngộ cách mạng.

 

- Năm Ất Dậu, tôi đang là cán bộ tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh - nhạc sĩ Xuân Oanh kể -  tuy chưa phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng chính không khí hào hùng, sôi động của ngày 19-8 đã làm những cảm xúc ấp ủ trong tôi dâng trào thành bài hát “Mười chín tháng Tám”.

 

Ông xúc động nhớ lại, sáng hôm ấy (19-8-1945), Mặt trận Việt Minh tổ chức mít–tinh. Đoàn đoàn, lớp lớp nhân dân cuồn cuộn, nô nức, từ khắp năm cửa ô tiến vào trung tâm Hà Nội. Tôi cũng hòa vào dòng người nô nức từ phía Nam (khu Vọng ngày nay) tiến vào khu trung tâm. Đoàn người ngày càng đông, tay cầm cờ và hoa, vừa đi vừa hô khẩu hiệu muốn vỡ tung cả lồng ngực. Không khí ấy làm cho tất cả mọi người đều cảm thấy vô cùng náo nức và trong đầu tôi bật ra giai điệu bài hát “Mười chín tháng Tám”. Giai điệu ấy là giai điệu của một hành khúc, là nhịp chân đi của những người nông dân, công nhân và trí thức lúc đó. Tôi vừa đi vừa hát, sáng tác được câu nào, tôi hát to lên, những người xung quanh hát theo câu đó. Cứ như thế, đi đến Nhà hát Lớn – Hà Nội thì bài hát cũng hoàn thành.

 

Ngay sau đó, bài hát chỉ gồm 102 chữ mộc mạc, giản dị của người thanh niên mới 22 tuổi ấy đã được phát trên Đài phát thanh, và trở thành khúc tráng ca cách mạng được lan truyền khắp đất nước. “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày./ Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai…” Những ca từ ngắn gọn, khỏe khoắn nhưng âm vang, sinh động và cuốn hút đó đã như lời hiệu triệu thôi thúc lòng người đấu tranh, hướng tới ngày khởi nghĩa toàn thắng.

 

Kháng chiến bùng nổ, ông được phân công lên chiến khu Việt Bắc công tác ở Báo Cứu quốc, rồi chuyển sang Ban vận động thành lập Ủy ban bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam. Ông là một trong số ít người có may mắn được tận mắt chứng kiến và tham gia những sự kiện lớn như: Hội nghị Trung Dã, hội nghị Giơnevơ về Lào, Hội nghị Pari về Việt Nam

 

Việt Bắc đối với tôi thân thương quá đỗi, ông bồi hồi nhớ lại: Tôi đã trưởng thành, và được học tập nhiều ở đó. Đêm đêm bên bếp lửa, lắng nghe và suy ngẫm về những điều mà các bậc đàn anh như Trường Chinh, Xuân Thủy, Nam Cao... nói chuyện, tranh luận, vốn kiến thức của tôi đầy đặn thêm, lý tưởng cách mạng cũng được vững vàng thêm lên.

 

Ông kể, hồi ấy đi chiến khu công việc cứ rầm rập luôn suốt cả ngày mà vẫn viết “sung”lắm. Một đêm bên bếp lửa Việt Bắc, chúng tôi bàn luận về những người bạn đang ở ngoài chiến trường, anh Nam Cao động viên tôi sáng tác một bài hát để động viên tinh thần của những người lính. Suốt một đêm tôi thức trắng, và đã sáng tác xong bài hát “Quê hương anh bộ đội”. Đó là một hình ảnh đẹp, rất đẹp của làng quê Việt Nam thanh bình, nơi anh bộ đội sinh ra và lớn lên: Nơi ấy có con đường tắm nắng vàng tươi, bờ tre nhà gianh vách mới./ Nơi ấy có cánh đồng mênh mông ngát hương, mùa lúa chín tiếng hát vang khắp đồng…”.

 

Bài hát đó những năm kháng chiến đã là món quà tuyệt diệu cho những người lính, làm dịu nhẹ biết bao nhọc nhằn, gian khổ. Và được xếp là một trong những bài tình ca hay nhất của người lính.

 

Việt Bắc cũng là nơi ông kết tóc se tơ với người bạn đời mà ông hết sức yêu thương. Vợ ông, bà Xuân Uyên, cũng là một chiến sĩ cách mạng hoạt động trong lòng địch, từng bị bắt giam tại Hỏa Lò. Ông kể cho chúng tôi nghe chuyện nơi mà ông và vợ vừa làm lễ thành hôn hôm trước thì hôm sau đã bị địch thả bom san phẳng, chuyện về những ngày được rảnh rỗi thảnh thơi đi bộ 15 cây số, ra quán Ông Già ăn bát chè Bà cốt rồi lại cuốc bộ về, rồi chuyện về những lần chuyển cơ quan, chân đất, gồng gánh, trèo đèo lội suối…. Những kỷ niệm sâu sắc của những ngày ở Việt Bắc đã như những người bạn thân thiết, nâng đỡ ông, giúp ông vượt qua những khó khăn, vượt qua sự chông chênh trống vắng khi người bạn đời của ông về cõi vĩnh hằng năm 1995.

 

Hòa bình lập lại (năm 1954), ông trở về Hà Nội làm việc tại Ủy ban Hòa Bình (thuộc liên hiệp Các tổ chức Hữu Nghị) rồi về nghỉ hưu. Giờ không bận bịu với công tác nữa, nhạc sĩ Xuân Oanh dành thời gian đọc sách, dịch thuật, vào mạng Internet để tìm hiểu thông tin, khi hứng thú ông lại làm bạn với giá vẽ và cây đàn pianô thân thuộc.

 

Nhạc sĩ lại tủm tỉm cười khi chúng tôi cảm thấy bất ngờ quá vì đang cầm trên tay địa chỉ email của ông. Ông cho biết thường xuyên liên lạc với bạn bè trong và ngoài nước bằng địa chỉ này. Chúng tôi cảm phục ông quá đỗi, một người đa tài vừa là nhạc sĩ, nhà báo, nhà ngoaị giao, hoạ sĩ, lại thành thạo 3 ngoại ngữ, tất cả đều tự học, vượt qua mọi khó khăn để tự học.

 

Chào tạm biệt ông ra về, dư âm của cuộc nói chuyện đó vẫn theo chúng tôi mãi. Chúng tôi vừa được gặp một con người đã ở vào tuổi "xưa nay hiếm" mà sự tài hoa, sức trẻ trung vẫn còn nguyên vẹn. Tôi cảm nhận được trong trái tim của ông hôm nay vẫn có những nhịp đập rộn rã và sôi nổi của chàng trai ngày ấy được giác ngộ cách mạng và lên hoạt động ở chiến khu Việt Bắc. Nhất là khi cầm trên tay bản nhạc "Tơ mành" ông tặng, nghe những giai điệu ngọt ngào, du dương cất lên, tôi càng cảm nhận được trái tim này còn rất trẻ trung và những người ở thế hệ chúng tôi còn phải học tập từ ông rất nhiều.