Con ạ. Mấy hôm nay mẹ đi chợ thấy nhiều người mua hương hoa, tiền vàng, quần áo, mũ mãng, xe cộ... bằng giấy, mới nhớ ra sắp đến Rằm tháng Bảy. Ngày ấy còn được gọi là ngày Vu Lan, ngày Báo ân.
Mẹ đã nhiều lần kể cho con nghe lịch sử ngày Vu Lan rồi nhỉ: Ngày xửa ngày xưa có ông La Bộc tu hành đắc đạo mà thành Bồ tát mục Kiền Liên có vô vàn phép thần thông biến hoá. Muốn biết mẹ mình (đã mất) sướng khổ ra sao, ông đã dùng mắt thần để tìm kiếm và vô cùng đau xót khi biết mẹ bị hành hạ cực khổ. Thương mẹ quá, Kiền Liên xuống tận âm ti đưa cho mẹ bát cơm mà cơm cứ biến thành lửa, mẹ ông đói mà không được ăn, khát mà không được uống. Ông cầu đến Đức Phật và được chỉ dạy rằng: Dù là thần thông đệ nhất trong hàng đệ tự của nhà Phật thì mình ông cũng không cứu được mẹ mà phải nhờ đến uy đức của chúng tăng. Từ đấy Kiền Liên cùng các chúng tăng dốc lòng phát nguyện, lập đàn cầu kinh Vu Lan vào ngày Rằm tháng Bảy, vì thế mẹ ông đã thoát khỏi cõi khổ, về với cõi lành. Ngày rằm tháng Bảy được gọi là ngày báo ân, hay còn gọi là ngày Vu Lan là thế.
Mẹ sinh ra ở thời đại mới, mẹ không tin và không muốn con tin có một thế giới của phép hô biến. Mẹ không tin và không muốn con tin những nhà lầu, xe hơi, quần áo rực rỡ bằng giấy người ta đang đốt cháy rừng rực kia có thể đến tay người đã khuất. Nhưng mẹ muốn con luôn nhớ hai từ ân nghĩa: ơn công cha nuôi dưỡng, ơn nghĩa mẹ sinh thành, ơn người “miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”, “chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo xê con” để từ “một bàn tay thì đầy, hai bàn tay thì vơi” con thành người vạm vỡ, kiêu hãnh hôm nay. Mẹ không muốn con thể hiện ân nghĩa bằng mâm cao cỗ đầy, bằng những lời tiếc thiêng tốt đẹp khi người không còn nữa. Mẹ muốn con hiếu thảo hàng ngày, bằng chiếc tăm, chén nước bưng hai tay mời cha mẹ, bằng cối trầu giã nhuyễn cho bà, bằng vòng tay ấm áp và nét cười lấp lánh trên mắt con.
Một năm chỉ có một ngày Rằm tháng Bảy, nhưng ngày nào cũng là ngày Báo ân, con nhé.