Những ngón đàn tranh kỳ cựu, điệu nghệ nhất từ Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc... cùng nghệ sĩ VN hội ngộ tại TP HCM từ ngày 31/8 để dự nhạc hội. Tối 1-9, chương trình khai mạc tại Cung Văn hóa Lao động.
Có mặt tại buổi triển lãm, GS - TS âm nhạc Trần Văn Khê vui mừng cho biết, đây là sự kiện âm nhạc độc đáo, cơ hội để các nghệ sĩ trong, ngoài nước chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự tinh túy của cây đàn tranh. Trong số những nhạc cụ âm nhạc phương Đông, đàn tranh được đánh giá là phổ biến và độc đáo nhất. Tuy mang những tên gọi khác nhau như Kayagum (Triều Tiên), Koto (Nhật Bản), Guzheng (Trung Quốc)... nhưng các cây đàn này đều có họ hàng với đàn tranh Việt Nam. Chúng mang sức sống lâu bền, không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn đan hòa vào đấy đời sống tinh thần, tâm linh của mỗi dân tộc.
20h ngày 1/9, nhạc hội đàn tranh đã khai mạc với phần tham gia trình diễn đặc sắc của cả 5 đoàn với các tiết mục: hòa tấu Xàng xê nhạc lễ miền Nam, Concerto cho đàn tranh và sáo (Nhật), độc tấu Mái chùa trên cao và tam tấu Tháp chuông đồng hồ (Hàn Quốc), tam tấu Thiên cầm trong dòng nước (Trung Quốc), hòa tấu Đài Loan tuyệt đẹp (Đài Loan - Trung Quốc).
Sau đêm khai mạc, từ 2 đến 4/9, chương trình biểu diễn hàng đêm của các đoàn nghệ sĩ diễn ra tại Nhạc viện TP HCM. Lịch cụ thể: 19h30 ngày 2/9 đoàn Nhật, Trung Quốc và Việt Nam biểu diễn. 19h30 ngày 3/9, đoàn Hàn Quốc và Đài Loan. 19h30 ngày 4/9, bế mạc chương trình.
Nhạc hội đàn tranh châu Á do Cung Văn hóa Lao động phối hợp Trung tâm Văn hóa TP và Nhạc viện TP HCM tổ chức. Sự kiện này diễn ra lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2000.