Trong đợt khai quật đầu tiên được tiến hành từ cuối tháng 8 đến nay tại di tích hang Phia Mùn, xã Sơn Phú, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, các nhà nghiên cứu ở Viện Khảo cổ học đã phát hiện hơn 10 mộ cổ thuộc thời đại đồ đá được mai táng theo phong cách kè đá trong hang động.
Nghiên cứu ban đầu cho thấy có ít nhất 2 cách táng tục mộ. Một loại mộ trong đó người chết được chôn nằm co, bó gối, đồ tùy táng là công cụ ghè đẽo và mảnh tước, trên mộ có phủ nhiều tảng đá lớn để đánh dấu. Trong các mộ thuộc nhóm còn lại, người chết được chôn theo tư thế nằm ngửa, hai tay buông xuôi, đồ tùy táng là một vài chiếc rìu đá được mài nhẵn và đồ gốm vặn thừng. Đặc biệt, người tiền sử đã kè đá xung quanh di cốt người chết, tạo thành một huyệt mộ hình bầu dục.
Đây là một hiện tượng hiếm gặp trong các di tích thời tiền sử ở Việt Nam và là cứ liệu khoa học quan trọng giúp cho việc tìm hiểu nhiều mặt về đời sống vật chất và tinh thần của người xưa.
Phia Mùn là một di tích cư trú và là khu mộ táng của cư dân thuộc nhiều giai đoạn tiền sử khác nhau. Tại khu vực này, ngoài các mộ táng, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy gần 1.000 di vật gồm các bộ công cụ chặt được ghè đẽo tinh xảo từ đá cuội, đồ gốm, than tro, vỏ ốc núi và xương răng động vật.
Theo phân tầng văn hóa di chỉ, tại khu vực này có lớp văn hóa muộn thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới cách đây gần 4.000 năm, nằm chồng trực tiếp lên lớp văn hóa sớm thuộc văn hóa Hòa Bình muộn cách đây khoảng 6.000-7.000 năm.