Sau 2 năm nghiên cứu với hàng chục hội thảo, bộ hồ sơ dày 862 trang về khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long vừa hoàn tất và đệ trình UNESCO xin công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Bộ hồ sơ gồm 9 mục, 154 trang được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh cùng hàng trăm trang phụ lục, hơn 400 trang ảnh, slide.., miêu tả chi tiết vị trí địa lý của Việt Nam, khu di tích Hoàng Thành Thăng Long nhìn từ vệ tinh, báo cáo mô tả chi tiết di sản và kế hoạch phát triển, tình trạng bảo tồn, ảnh di vật...
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành Cổ Hà Nội - đơn vị lập hồ sơ, hiếm có di sản nào trên thế giới là trung tâm chính trị của đất nước như Hoàng thành Thăng Long. Đây còn là nơi giao thoa các giá trị nhân văn của nhiều nền nghệ thuật, kiến trúc, quy hoạch đô thị, là nơi hội tụ của các nền văn minh lớn của châu Á.
Vùng lõi của di sản rộng 18 ha, bao gồm khu di tích Thành cổ Hà Nội và di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Phía Bắc giáp đường Phan Đình Phùng, đường Hoàng Văn Thụ, phía Đông giáp đường Nguyễn Tri Phương, phía Nam giáp đường Bắc Sơn và khuôn viên nhà Quốc hội mới, phía Tây Nam giáp đường Điện Biên Phủ, phía Tây giáp đường Hoàng Diệu, Độc Lập.
Vùng đệm của di sản rộng 108 ha, bao gồm toàn bộ khu trung tâm chính trị Ba Đình nối đến phần đường Nguyễn Tri Phương, tiếp giáp với phố Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Trần Phú, Ông Ích Khiêm, Sơn Tây, Ngọc Hà.
Trước ý kiến cho rằng vùng đệm của di sản trong hồ sơ nhỏ hơn so với thực tế, ông Sơn cho biết, qua nhiều hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, đơn vị đã thống nhất gói gọn trong khu trung tâm chính trị Ba Đình. Khu vực này đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng, không có dân cư và được quản lý đầu tư xây dựng theo quy chuẩn.
Trả lời VnExpress.net về khả năng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, ông Sơn cho rằng, trung tâm Hoàng Thành Thăng Long đạt được 3 tiêu chí của Công ước di sản thế giới, trong khi đó, chỉ cần một tiêu chí là cũng có thể được công nhận. Tuy nhiên, có một bất lợi là quy mô của Hoàng Thành Thăng Long đưa vào hồ sơ bị hạn chế so với thực tế.
Tháng 3/2010, các chuyên gia UNESCO sẽ đến Hà Nội kiểm tra, đánh giá thực trạng khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long và đề nghị Ủy ban di sản thế giới xem xét quyết định tại phiên họp thường niên vào tháng 6/2010.
Thời gian qua, đã có trên 10 đoàn công tác của các chuyên gia quốc tế hàng đầu vào Việt Nam giúp đỡ kỹ thuật cho việc xây dựng hồ sơ đề cử di sản văn hóa thế giới.
Ba tiêu chí của Công ước di sản thế giới mà Hoàng Thành Thăng Long đạt được gồm:
- Di sản có khả năng biểu đạt sự giao thoa lớn giữa các giá trị nhân văn trong một giai đoạn lịch sử hoặc trong một vùng văn hóa của thế giới, biểu đạt sự phát triển của kiến trúc, công trình nghệ thuật kỳ vĩ.
- Di sản có ý nghĩa như một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng là đặc thù của một truyền thống văn hóa.
- Di sản có mối liên hệ trực tiếp với những sự kiện hay truyền thống còn hiện hữu trong cuộc sống hiện tại, với các tác phẩm nghệ thuật và văn học có giá trị nổi bật toàn cầu.