Đèn đã sáng trên sân khấu chèo Thái Nguyên

13:35, 22/10/2008

Đã lâu rồi, chính xác là 11 năm kể từ sau vở diễn “Thủ lĩnh áo chàm” sân khấu chèo Thái Nguyên mới sáng đèn trở lại với một vở diễn đầy ấn tượng: Chuyện tình Sông và Núi của Đoàn nghệ thuật Thái Nguyên. Khán giả có người rơi lệ, có người thầm tiếc chèo đã “ngủ” quá lâu.

 7h30 tối, dù mưa nhưng rạp Măng non (Nhà Văn hoá thiếu nhi T.P Thái Nguyên) đã chật kín 500 chỗ ngồi. Tất cả đều đón đợi sân khấu kéo rèm công diễn vở chèo “Chuyện tình sông và núi”, hoa tươi ngập tràn chào đón sự trở lại của chèo tỉnh nhà. Với thế hệ chúng tôi, chèo chỉ thoảng qua thời thơ ấu, rồi bị nhạt nhoà dần bởi các loại hình nghệ thuật khác, chính vì vậy, khi cầm trong tay giấy mời, tôi đã lưỡng lự. Nhưng đúng là - đi thì mới biết!

 

Với người dân Thái Nguyên chèo đã từng là niềm tự hào, không tự hào sao được khi nhiều vở diễn đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả trong và ngoài tỉnh: "Đêm trăng huyền thoại"; "Hoàng hậu Ba Tư"; "Chiếc bóng oan khiên"; "Nàng Si- ta"... Nay chèo trở lại chắc chắn hâm nóng lại cảm tình của khán giả. Như đón được tấm lý ấy, nhà đạo diễn sân khấu chèo, nghệ sỹ ưu tú Vũ Ngọc Ninh- Nhà hát Chèo Trung ương đã chọn kịch bản "Chuyện tình của Sông và Núi" của tác giả Hoài Giao, dựa trên cốt chuyện huyền thoại nàng Công và chàng Cốc. Đạo diễn đã khéo léo phân cảnh theo trục diễn lấy chính cải tà, lấy thiện thắng ác, lựa chọn nhiều tình tiết gắn với các chuẩn mực giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc, vừa xen kẽ những hủ tục lễ giáo cũ và tính hiện đại để tạo ra những mâu thuẫn và xung đột trong diễn xuất của từng nhân vật. Bi kịch: Đôi nam thanh, nữ tú bình dị, tâm hồn trong sáng, tha thiết yêu nhau mà vẫn không thành đôi để rồi: Một người buồn đau khóc ròng rã, nước mắt biến thành sông, còn một người với đầy khát vọng sống, quyết tâm tìm kiếm và mòn mỏi đợi chờ hoá thành núi.

 

Sau mỗi cảnh diễn, tiếng vỗ tay lại rộ lên như không ngớt. Với ca từ trong sáng, sâu lắng và khả năng diễn xuất của các nghệ sỹ đã khiến nhiều khán giả bật khóc.  Bà Đinh Thị Hoạt và bà Lê Thị Phán ở phường Trưng Vương T.P Thái Nguyên không giấu nổi xúc động: Chúng tôi sinh ra từ đất chèo Nam Định, nên rất mê chèo. Cũng dăm năm nay mới được xem chèo tỉnh nhà, hay lắm!. Vợ chồng ông bà Nguyễn Đức Nghĩa, Nguyễn Thị Báu thì đội mưa từ thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) đến xem, hết lời tấm tắc: "Xem thật vẫn hay hơn xem qua truyền hình, người thật diễn, trông thấy trực tiếp nên dễ cảm động". Như có phần sâu sắc hơn, khi bình tâm trở lại, ông Nghĩa nhận xét: "Hay thì có, nhưng cần nâng cao hơn nữa chất lượng các vai diễn, hát chèo phải sâu, cay, biểu đạt hành động, ánh mắt...đặc trưng nhất. Đoạn kết là bi kịch, nhưng phải thanh cao, nhân văn hơn, lắng đọng hơn và toát lên được sự yêu ghét rõ ràng. Cả hai đều hoá thân vào núi, sông quấn quýt bên nhau, nhưng phải lên án được kẻ gây nên cơ sự, ấy là lễ giáo, ấy là tập quán cổ hủ...".

 

Vở diễn "Chuyện tình của Sông và Núi" có thể khẳng định thành công bước đầu sau hơn chục năm chèo gần như "mất đất". Có thể vẫn còn "sạn" trong vở diễn, nhưng phía sau sân khấu còn có những thành công rất đáng trân trọng: Về tài chính, vở diễn được dàn dựng với mức đầu tư khiêm tốn nhất từ trước đến nay (150 triệu đồng), trong khi cùng thời lượng, vở diễn "Thủ lĩnh áo chám" dựng lại chỉ để đi Hội diễn toàn quốc năm 2005 tại Quảng Ninh đã chi hết 175 triệu đồng. Đồng chí Bùi Văn Thanh, Phụ trách Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên cho biết: "Hơn chục năm qua, vẫn những con người ấy, lực lượng không hề bổ sung mà còn thiếu hụt đi, cả các nghệ sỹ "cứng" cũng đi, nên anh em nghệ sỹ còn lại phải phát huy nội lực".

 

Với sự trở lại của sân khấu chèo, những tên tuổi như nghệ sỹ ưu tú Minh Thắng, nghệ sỹ Minh Chuyên, Phong Tình, Hà Bắc... đều đã nhập vai hết mình làm nên những khoảnh khắc xúc động trong lòng người hâm mộ chèo Thái Nguyên.