Văn hóa hôn nhân hiện đại

11:05, 26/10/2008

Ngày nay, trai chưa vợ, gái chưa chồng "tự do tìm hiểu" là nhờ cách mạng mang lại. Họ đến với nhau bằng "trái tim biết yêu thương", tự mình lựa chọn bạn đời, bỏ được "cha mẹ đặt đâu, con phải ngồi đó".

 Từ đây, xã hội từng bước đã gây dựng nên mô hình gia đình mới. Tuy nhiên, lời cảnh báo "khi yêu là mù quáng", vội vàng "chuyện ấy - ăn cơm trước kẻng" của không ít bạn trẻ trên thực tế đã đưa thân nhân vào vòng xoáy bất đắc dĩ! Và khi tìm hiểu, họ cũng chưa đến với nhau bằng "yêu đẹp, lấy nết". Từ những động cơ sai, đi cùng với đặt tiêu chuẩn chọn  bạn đời cao thiếu thực tế đồng nghĩa thất vọng, sớm chia tay.

 

Trăn trở việc này, dòng họ Nguyễn Đức - 405 Xuân Đãng chúng tôi (xã Bình Sơn, thị xã Sông Công) đã có mục "Dựng vợ, gả chồng - (19 điều)"... chi tiết trong "Đề cương văn hoá 405" của dòng họ. Vấn đề đặc biệt quan tâm ở đây là nhận thức về đám cưới phải xuất phát từ tình yêu đích thực đã chín muồi của đôi lứa, các bước sau theo chỉ là tiếp nối làm cho sự kiện đó tốt hơn.

 

Trình tự nghi lễ các bước hôn nhân hiện nay "khả dĩ có thể" như sau:

 

1. Trai, gái tự lựa chọn bạn đời: Đây là yếu tố "thành, bại" quan trọng nhất trong hôn nhân gia đình hiện đại, vì đôi trai gái là chủ thể "cuộc vui", do đó họ phải chủ động lựa chọn "bạn đời hợp cảnh" với mình. Cân nhắc kỹ để tránh ngộ nhận hình thức, cám dỗ vật chất, kìm chế "trao nhận" sớm thân xác! đặc biệt là phải lắng nghe người lớn từng trải định hướng, khuyên bảo! Cố gắng làm tất cả những gì có thể để ngưỡng cửa vào đời của mình đóng góp phần xây dựng văn hoá gia đình dòng họ tốt hơn. Khi tìm "bạn đời", trai gái cũng nên so tuổi "âm dương".

 

2. Trình, duyệt của gia đình: Khi nâng tình bạn lên tình yêu, mỗi bên thuộc phần mình cần báo cáo gia đình dòng họ "phê duyệt". Mọi việc thuận lợi như; đã báo cáo cơ quan, đăng ký kết hôn xong, đôi trai gái "phải là cái cầu" giúp "thông gia" gần gũi hiểu nhau hơn để cùng bàn "chi tiết" về việc tổ chức đám cưới cho các con.

 

3. Đăng ký hôn nhân theo luật: Khi hai "con tim cùng nhịp đập", gia đình dòng họ ủng hộ, đến chính quyền làm thủ tục đăng ký kết hôn theo luật định là việc làm bắt buộc. Không đăng ký, không được tổ chức đám cưới.

 

4. Trình, lễ tâm linh nơi Thờ cúng: Về pháp lý, đăng ký xong theo luật định là "anh chị" đã thành vợ chồng. Quyền được bảo lãnh về tâm linh theo văn hoá phương Đông lúc này là bố mẹ và hai con (dâu - rể) phải tiến lễ "trình báo... " ở những nơi tôn nghiêm Thờ cúng như; Từ đường tổ, chi họ, gia tiên; và chùa, nhà thờ, đài tưởng niệm liệt sỹ (nếu có điều kiện). Các động tác nên thống nhất trước để không lúng túng trong giờ phút thiêng liêng thắp hương, kính lễ "các cụ bề trên".

 

5. Lễ hỏi dâu: Nhà trai tổ chức một đoàn, thành phần đi cũng tuỳ "để ứng" với bên nhà gái sẽ có mặt tiếp đón. Có trưởng và phó đoàn, nếu người "thoát ly" nên có đai diện cơ quan cùng làm đoàn phó. Trưởng đoàn tối thiểu phải ngang vai bố mẹ đôi bên. Số lượng đoàn người nhà trai "vào nơi đàm đạo" bên nhà gái (cả người bê lễ và các thành phần vai vế họ hàng) khoảng 9 đến 13 người. Đoàn bên nhà gái ngồi tiếp đón đoàn nhà trai cũng nên "môn đăng". Có 3 lễ hỏi dâu: gia tiên, bên nội, bên ngoại. Sau buổi lễ, gia chủ "phát lộc" thông báo con ăn hỏi.

 

Ngày nay, để giảm tiện đi lại, ngay trong buổi lễ hỏi dâu, nhà trai và nhà gái cùng bàn luôn một số việc:

+ Thống nhất ngày cưới, giờ nhà trai đón dâu.

+ Nhà trai đưa "lễ hỗ trợ" nhà gái tổ chức đám cưới.

+ Và các hợp đồng khác (nếu có).

 

6. Lễ thành hôn: Đây là phần sinh hoạt đạo lý cơ bản đã thành nề nếp từ lâu trong xã hội. Sự thiêng liêng "chuyện trăm năm" gây ấn tượng rất sâu sắc trong đời người, vì vậy việc tổ chức buổi lễ cần chú ý để đạt mục đích, ý nghĩa. Ngoài cỗ bàn lịch sự thiết đãi khách, thì phần khánh tiết, lễ nghi buổi thành hôn phải chu đáo!

 

Trang điểm cô dâu "đẹp vừa đủ" để tự tin, không loè loẹt khác thường quá mức làm cô dâu "bị ngượng".

 

Nhà trai đi đón dâu, vẫn có thể "sử dụng đội hình" ngày lễ ăn hỏi. Trưởng đoàn thực hiện nghi lễ "cơi trầu xin dâu". Nhà gái nhận lễ và rể. Thắp hương gia tiên, dâu rể vái, lạy. Tiếp theo, dâu rể ra mắt hội hôn, mời nước, giao lưu. Phần việc này cũng nên hợp đồng trước để vào vị trí an toạ và ra về đúng tiến độ "giờ tốt".

 

Nếu trong đám cưới có đại biểu đặc biệt, nhất là khách nước ngoài, nên bố trí những người có khả năng giao tiếp để cân bằng không khí buổi vui.

 

Đám cưới không mời thuốc lá. Rượu, với phương châm "lấy chén làm lễ". "Chủ sự", thân nhân và bạn hữu không uống rượu, bia say mất phong độ.

 

"Tạo không khí" buổi lễ, loa đài nên kéo dây phóng ra xa, không đặt trong phòng hội hôn làm át chuyện của khách. Nhạc, múa hát phải hợp buổi lễ. Tránh đĩa hình có "ảnh nude" quá khêu gợi!

 

Đám cưới ngày nay vẫn "kén - ngày lành, tháng tốt!", còn kết hợp vào ngày nghỉ, do đó phải cân đối mọi mặt, tránh thừa cỗ! Ngày nay, cuộc sống đã chủ động mọi mặt không nhất thiết cưới đúng mùa, mà nên san trải các tháng trong năm để tránh bị chi phối bởi công việc cuối năm.

 

7. Tuần nghỉ  "cân bằng"(*14): Gia đình có điều kiện cũng nên khuyến khích dâu, rể nghỉ theo qui luật này để "xả hơi" lấy lại sự cân bằng chuẩn bị cho kế hoạch tương lai!

 

8 & 9. Trình họ hai bên để nhận biết con, cháu; triển khai kế hoạch ổn định và phát triển gia đình mới: phần việc phải làm, nhưng có thể ngay sau đám cưới hoặc trong thời gian thấy thích hợp.

*****

 

Từ xa xưa, chuyện cưới xin của con trẻ luôn được xã hội quan tâm, bởi nó là sự khởi tạo một gia đình, một "tế bào" mới trong dòng họ và xã hội, cũng từ công thức vui "1 + 1 = 3..." ấy mà mỗi vùng miền, cộng đồng cư dân lại có những hình thức, chuẩn mực khác nhau về việc tổ chức lễ thành hôn, nhưng chung qui vẫn một mong muốn "đương sự" hạnh phúc, thành đạt. Cha mẹ "thách cưới cao" là cắt duyên tình của con! Trình tự nghi lễ thành hôn thiếu nghiêm túc là gây vô duyên "ngày vui" của các con!

 

Đám cưới (lễ thành hôn) thực chất là "cuộc ăn mừng" kết quả bước đầu trong một chuỗi những kế hoạch vào đời theo luật tạo hoá ban cho con người. Rất cần hoành tráng! nhưng nên giản tiện hình thức, tiết kiệm tiền của! Lịch sự, văn minh vẫn là mục đích, ý nghĩa để giáo dục và hoàn thiện văn hoá cuộc sống con người hiện đại!