Chùa Tây Phương và những câu chuyện kỳ bí

15:26, 01/11/2008

Chùa Tây Phương nay đã về với Thủ đô. Nhưng ngay dưới chân các vị La Hán, chúng tôi vẫn được nghe những câu chuyện kỳ bí, nửa thực nửa hư được người dân nơi đây truyền miệng từ đời này sang đời khác.  

Ngôi đình linh thiêng và quả chuông kỳ bí

 

Đình làng Yên Lạc nằm cách chùa Tây Phương chỉ vài trăm mét. Ngôi đình cổ oai nghiêm, trầm mặc giữa không gian của một làng quê yên tĩnh lại ẩn chứa trong mình những câu chuyện kỳ bí, khó tin và đến nay vẫn chưa có một lời giải thích thoả đáng, khoa học.

 

Cần Kiệm là vùng đất cổ xứ Đoài, có sông, suối, núi đồi, nơi cư dân Việt cổ sinh sống. Sự tích tam vị Thành hoàng làng Yên Lạc cả xã đều rõ như chuyện nhà mình. Cụ từ trông đình lần dở cuốn Ngọc phả đình làng Yên Lạc đã được dịch ra chữ quốc ngữ, nheo mắt nhẩm đọc. Cuốn Ngọc phả này được nhà Hán học Ngô Đức Thọ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Ban Khoa học xã hội Việt Nam dịch thuật. Trong đó có ghi rõ đình Yên Lạc là nơi thờ tam vị Đại vương có công cùng Tản Viên sơn thánh đánh giặc giữ nước Văn Lang thời Hùng Vương thứ 18.

 

Đình làng Yên Lạc có cấu trúc đặc biệt, mọi người phải đi qua sân đình rồi mới vào cổng đình. Cột trụ cổng đình được xây cao vút lên ngang mái đình đồ sộ. Theo những tài liệu còn lưu giữ được thì đình được dựng từ thời Hồng Đức nguyên niên (1469). Cột đình được làm toàn bộ bằng gỗ lim, một người ôm không hết. Trải qua bao năm tháng gió mưa dập vùi, những cột trụ ấy vẫn vững chãi, chỉ có mái đình là đôi lần phải lợp lại.

 

Suốt những năm chống Pháp, đình làng bị máy bay bắn phá dữ dội nhưng vẫn chẳng hề gì. Phải chịu bao trận bom ác liệt của giặc Pháp nhưng các cột trụ vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt". Trên những trụ ấy, bây giờ vẫn còn những vết tích từ thời chiến, những vết đạn, những mảnh bom đã găm mình trên đó mấy chục năm rồi. Trước cổng đình, cạnh bến nước là cây đa 9 gốc tỏa bóng mát, tạo nên một không gian cổ kính, trầm mặc.

 

Theo các cụ trong làng kể lại thì sau khi dựng xong đình làng, trời đổ mưa to, rồi lũ. Lũ cuốn theo một cây đa nhỏ đến trước cổng đình (trước cổng đình, chỗ cây 9 gốc bây giờ ngày trước là sông). Sau khi bị lũ cuốn đến đó, cây tự bám rễ mà sống và ngày càng xum xuê, thành những thân, những gốc như bây giờ mà không hề có sự chăm sóc của ai cả!

 

Trong đình Yên Lạc ngày trước có một quả chuông đồng rất to, hai người ôm không hết, cao gần 2 mét. Trên thân chuông có khắc những hình long phượng và rất nhiều hoa văn đẹp mắt. Đặc biệt, nó còn khắc tên của làng Yên Lạc, xã Cần Kiệm. Đó chính là "dấu hiệu" để người dân nơi đây phân biệt với những quả chuông của làng khác.

 

Dân làng Yên Lạc tin rằng đây là một quả chuông thiêng. Sự kỳ bí, linh thiêng của nó xuất hiện từ khi đúc. Ông Nguyễn Văn Dậu, Trưởng ban quan lý di tích đình Yên Lạc kể lại câu chuyện ông được các cụ đời trước truyền lại như thế này: Sau khi dựng đình xong, mọi người đi quyên góp đồng từ khắp nơi để đúc chuông. Khi ấy có một người hành khất đi qua, trên người không có gì đáng giá mới góp một chiếc chìa khóa bằng đồng, những người phụ trách đã không nhận.

  

Người hành khất đem chiếc chìa khóa ấy thả xuống cái ao nhỏ trên đồng làng (nơi ấy bây giờ đã trở thành ruộng lúa). Dân làng đúc chuông nhưng qua 3 lần đúc đi đúc lại, quả chuông vẫn bị thủng một lỗ nhỏ, đánh không thành tiếng. Một ông thầy có tiếng bảo rằng cần phải có chiếc chìa khóa của người hành khất kia thì đúc chuông mới thành. Thế là dân làng đổ xô đi tìm người hành khất để xin chiếc chìa khóa. Sau khi tìm thấy, cho vào đúc lại, quả nhiên chuông không bị thủng nữa, tiếng kêu vang vọng. Chuông được treo ở gian đại bái ngay trước cửa đình. Bom đạn của Pháp khiến trên thân chuông bị mấy vết xước.

 

Mấy trăm năm ở trong ngôi đình, trải qua bao sóng gió, quả chuông đã trở thành vật thân thuộc với mỗi người dân Yên Lạc. Thế mà đột nhiên, đến thời chống Mỹ, chính xác là năm 1968, kẻ trộm đã "khuân" quả chuông đi như... một chuyện đùa. Cả làng Yên Lạc bàng hoàng, không tin rằng một quả chuông to, nặng như thế lại được đem ra khỏi làng trót lọt mà không bị ai phát hiện.

 

Từ ấy, dân làng ra sức "truy lùng" tung tích quả chuông. Mọi người đến rất nhiều các ngôi đình, chùa, đến cả những nơi buôn bán đồng nát nhưng đều không tìm thấy. Có lẽ ông Dậu là người mất nhiều công sức nhất trong việc tìm vật báu của quê hương. Gần chục năm nay, ông lặn lội khắp nơi tìm kiếm. Hễ nghe thấy ai nói ở đâu có chuông là ông lại lạch cạch đạp xe đến nơi.

 

Nhưng bao lần "mục sở thị" là bấy nhiêu lần ông buồn bã trở về vì đó không phải quả chuông làng mình. Những người con Yên Lạc đi làm ăn xa, ông đều căn dặn phải cố tìm kiếm tin tức về quả chuông của làng. Đến giờ, quả chuông ấy vẫn "lưu lạc" đâu đó chưa về được với quê hương.

 

Khúc gỗ biết… quay về

 

Một khúc gỗ đen kịt ở bến sông Tích trước cổng đình Yên Lạc bao năm nay đã "nổi tiếng" khắp vùng vì biết... quay về làng. Khúc gỗ có từ bao giờ không ai rõ. Ngay cả những bậc bô lão lớn tuổi nhất trong làng còn bảo rằng, từ ngày bé, họ đã được ông cha kể cho nghe những câu chuyện về nó. Chuyện kể rằng, xưa khi dân làng làm đình, còn thừa một khúc gỗ khá to, mọi người đem ra bến nước làm cái bàn giặt. Người làng đi làm đồng về đều ghé qua bến nước, để chân lên khúc gỗ kỳ cọ. Trẻ con vẫn thường lấy nó làm "cầu nhảy" lao mình xuống dòng nước mát lạnh. Qua bao nhiêu năm dập vùi sóng nước, nó mòn đi và trở nên đen kịt như bây giờ.

 

Cụ Từ trông đình năm nay đã ngoại bát tuần, râu tóc bạc phơ kể về sự thần bí, linh thiêng của khúc gỗ: "Thường ngày, khi con nước lên xuống, khúc gỗ cũng lên xuống theo, lúc nào cũng ở gần mép nước, không hề lên quá gần bờ hay ngập chìm trong nước. Mùa lũ, nó bị cuốn trôi theo dòng nước nhưng thời gian sau, tôi lại thấy nó về lại bến nước này. Hỏi khắp thì ai cũng lắc đầu rằng mình không mang nó về!"

 

Người dân Yên Lạc bao năm nay vẫn truyền miệng nhau những câu chuyện kỳ bí xung quanh khúc gỗ đen ấy. Có người kể rằng, đêm về, họ thấy hai nàng tiên ngồi chơi trên đó. Lại có người "doạ" chúng tôi bằng câu chuyện về những người tham lam mang khúc gỗ đó về làm của riêng, gặp phải những chuyện không may, phải tha hương đi nơi khác làm ăn. Cũng có người cố gắng lý giải cho sự linh thiêng của khúc gỗ đen.

 

Người thì cho rằng đó là "khúc gỗ thần", người thì bảo khúc gỗ ấy lấy từ trong đình ra, các Thánh đã "yểm bùa" cho nó, không ai được phạm... Tất cả những lời giải thích ấy chỉ làm tăng thêm sự huyền bí của nó, không có cơ sở khoa học. Nhiều người lại cho rằng, sự kỳ bí, linh thiêng của nó có liên quan đến bãi đá đen phía cuối làng, cách đình làng và bến nước không xa.

 

Tương truyền rằng, vào cuối thế kỷ thứ IX, một nhà phù thủy cao tay của Trung Quốc là Cao Biền đã đến đây trấn yểm. Hiện nay, trên các hòn đá vẫn có hình bước chân trấn yểm của Cao Biền xưa?! Trong Bảo tàng tỉnh Hà Tây (cũ) còn lưu giữ một tấm đồ có đánh dấu những vùng đất trên tỉnh bị Cao Biền yểm mạch.

 

Bao nhiêu lời lý giải, song có lẽ thuyết phục nhất là sự giải thích của ông Nguyễn Văn Dậu, Trưởng Ban quản lý khu di tích làng Yên Lạc. Theo ông, khúc gỗ ấy là gỗ thông, một loại gỗ có khối lượng riêng vào loại trung bình. Khi thả xuống nước, nó không chìm hẳn, cũng không nổi hẳn, chỉ là là mặt nước. Hơn nữa, bến sông bên này lại thoai thoải vì là bên bồi. Chính những điều đó khiến cho khúc gỗ lên xuống cùng dòng nước. Bây giờ, khúc gỗ đen đã bị mòn đi nhiều, dân làng không còn dùng nó làm bàn giặt nữa, nhưng nó vẫn là một phần không thể thiếu nơi làng quê yên bình này

 

Ông Dậu cho rằng, những câu chuyện về khúc gỗ, về bãi đá chỉ là những câu chuyện do dân gian sáng tạo ra để răn dạy con cháu, như chuyện Thánh Gióng giúp vua diệt giặc cứu nước. Người dân Yên Lạc vẫn giữ gìn và kể cho con cháu nghe những câu chuyện ấy như những câu chuyện dân gian dạy con người biết trọng quá khứ.

 

Về thăm Yên Lạc bây giờ, chúng ta vẫn thấy hình ảnh thân thương của một làng quê yên bình. Bao đời nay, người dân Yên Lạc đã quen với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình. Những thứ ấy đã gắn bó mật thiết với người dân quê, trở thành nét sinh hoạt bình dị, thân thuộc. Nơi đây vừa khoác lên mình chiếc áo hào nhoáng "đất Thủ đô". Liệu rằng mái đình cổ kính, cây đa cổ thụ 9 gốc và cả những câu chuyện hư hư thực thực, kỳ bí về sự linh thiêng của khúc gỗ, của bãi đá đen có thể "sống" được trong cái ồn ã của cuộc sống thành thị?!