Chưa thu hút được nhiều tác giả trẻ

15:49, 13/11/2008

Sáng 14-11, tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ (số 2, Hoa Lư, Hà Nội diễn ra Hội thảo “Tranh sơn dầu đương đại” nằm trong khuôn khổ triển lãm tranh sơn dầu Việt Nam 2008”. Hội thảo nêu lên những thành tựu và hạn chế của tranh sơn dầu Việt Nam, nhưng tiếc là trong Hội thảo vẫn chưa nhiều ý kiến của những tác giả trẻ. Ngay cả trong Triển lãm tranh sơn dầu, cũng không thấy sự góp mặt những tên tuổi đang có dấu ấn trong làng tranh sơn dầu Việt Nam.

Có lẽ, cũng giống như những Hội thảo chuyên ngành khác, diễn ra “vui là chính”, Hội thảo “Tranh sơn dầu đương đại” chủ yếu là các ý kiến đóng góp của những nhà lý luận phê bình lão làng và những tác giả “cây đa cây đề” đã có vài chục năm cống hiến. Có khá nhiều bài tham luận được phát biểu trong Hội thảo, nếu nói về chất thì đây là những ý kiến đóng góp tích cực, bàn thảo thực trạng của tranh sơn dầu đương đại, chỉ có điều cách thức tổ chức Hội thảo lại chưa thật sự thu hút được người đến dự.

Điều đáng nói là Hội thảo “tranh sơn dầu đương đại” lại được tổ chức nhân triển lãm tranh sơn dầu Việt Nam diễn ra từ ngày 5/11. Triển lãm này, BTC nhận được 1030 tác phẩm của 549 tác giả thuộc 45 tỉnh, thành phố tham dự. Để mang ra trưng bày tại triển lãm, Hội đồng nghệ thuật đã tuyển chọn được 170 tác phẩm. Tuy nhiên, theo nhận xét của Nhà phê bình mỹ thuật Trang Thanh Hiền thì triển lãm tuy huy tụ được nhiều tác giả trẻ bắt đầu sáng tác từ 5 năm trở lại đây nhưng lại chưa có sự đóng góp của những tác giả trẻ có tên tuổi. Đây có lẽ là do thiếu sót trong khâu thổ chức, đã không thu hút được hết sự quan tâm của những họa sĩ đã cầm bút “cứng nghề”.

Sơn dầu là chất liệu hội họa của phương Tây du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX. Ngay từ khi có mặt tại Việt Nam, sơn dầu đã được các họa sĩ tiếp nhận một cách hào hứng và trở thành chất liệu sáng tác chủ yếu của Hội họa Việt Nam cùng với chất liệu sơn mài và lụa vốn được coi là chất liệu sáng tác truyền thông của mỹ thuật Việt Nam.

Qua 1 thế kỷ, Việt Nam cũng đã có những thành tích đáng kể trong nghệ thuật sơn dầu. Bằng chứng là, chúng ta đã có những tác phẩm, tác giả tạo được tiếng nói trong nghệ thuật này như: Tô Ngọc Vân với “Thiếu nữ bên hoa huệ”, Nguyễn Đỗ Cung với “Tan ca mời chị em đi họp để thi thợ giỏi”, Trần Văn Cẩn với “Nữ dân quân miền biển”, Nguyễn Sáng với “Thiếu nữ bên hoa sen”… Nếu nói về thành tựu của sơn dầu Việt Nam, quả là không phải không có dấu ấn mà theo như đánh giá của một đại biểu tham gia tham luận thì sơn dầu Việt Nam đã đi qua giai đoạn hiện đại và đang chuyển sang giai đoạn hậu hiện đại.

Sơn dầu Việt Nam hiện nay vẫn đang là thể loại được các tác giả chuyên tâm sáng tạo và khám phá. Có lẽ cũng bởi, sơn dầu có khả năng biểu đạt với biên độ rộng, có sự hấp dẫn của bảng màu phong phú gần với tự nhiên, sắc độ tinh tế nên nó vẫn có một sức hấp dẫn trong việc thể hiện ý tưởng sáng tạo của các tác giả.

Chỉ có điều, thực tế hiện nay, khi mà những trào lưu sáng tác mới xuất hiện, nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng trong đó có sơn dầu đang thiên về việc thể hiện ý tưởng, sự sắp đặt thì những tác phẩm sơn dầu hiện nay lại đang dần nghèo nàn về ý tưởng. Điều này được thể hiện khá rõ trong những tác phẩm được đang trưng bày trong triển lãm tranh sơn dầu Việt Nam 2008.