Phục dựng, bảo tồn vốn văn hoá dân tộc Sán Dìu

14:16, 16/11/2008

 Ở một số nơi, người dân tộc Sán Dìu đã lại tổ chức lễ cưới theo nghi lễ của tổ tiên như mặc trang phục truyền thống, trai gái cùng nhau hát “Soọng cô”. Dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có trên 10.000 người, chủ yếu sống ở vùng xen chân núi Tam Đảo thuộc các huyện Tam Đảo, Bình Xuyên và thị xã Phúc Yên.

Kho tàng văn hoá dân gian của dân tộc Sán Dìu rất phong phú và độc đáo. Những ngày hội đầu xuân, ngày tết, ngày cưới là dịp để trai gái Sán Dìu tổ chức hát "Soọng cô", trong các bộ trang phục truyền thống trai làng này đến hát với gái làng kia và ngược lại. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều thanh niên dân tộc Sán Dìu đã quên mất bản sắc văn hoá của dân tộc mình, nhất là nhiều thanh niên không còn nói được tiếng dân tộc Sán Dìu.

 

Để giữ gìn, bảo tồn vốn văn hoá của dân tộc Sán Dìu, Trung tâm Văn hoá- Thông tin tỉnh Vĩnh Phúc đã cử cán bộ về phối hợp với chính quyền địa phương các xã có đồng bào dân tộc Sán Dìu để tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức cho bà con dân tộc Sán Dìu xoá bỏ mặc cảm tự ty về tiếng nói của dân tộc mình. Mời những người cao tuổi có uy tín của dân tộc Sán Dìu đi vận động các gia đình dạy lại tiếng nói của dân tộc mình cho thế hệ trẻ. Phục dựng, ghi âm lại một số tiết mục múa, hát, các trò chơi, lễ hội truyền thống của người dân tộc Sán Dìu. Các xã có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu đã thành lập các câu lạc bộ, phòng truyền thống để giữ gìn, bảo tồn vốn văn hoá của Dân tộc.

 

Vào các ngày lễ hội Tây Thiên, Sở Văn Hoá Thể thao và Du lịch đã phối hợp với huyện Tam Đảo tổ chức cho đồng bào dân tộc Sán Dìu tham gia biểu diễn một số tiết mục múa, hát, các trò chơi, nấu những món ăn ẩm thực và trưng bày các trang phục quần áo, đồ trang sức... nhằm quảng bá nền văn hoá đa sắc thái của dân tộc Sán Dìu cho khách thập phương đến thăm quan du lịch.

 

Hiện tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai phục dựng đám cưới của người dân tộc Sán Dìu. Một số nơi người dân tộc Sán Dìu đám cưới đã tổ chức lại theo nghi lễ của tổ tiên như mặc trang phục truyền thống, trai gái cùng nhau hát “Soọng cô”. Cuộc hát được diễn ra qua nhiều bước như: Bước một: Hát làm quen. Bước hai: Hát chào hỏi. Bước ba: Hát mời nhau uống nước, ăn trầu. Bước bốn: Hát ví tâm tình, hát đối đáp nam nữ. Bước năm: Hát sang canh, hát chia tay