Ra mắt tiểu thuyết đầu tay ở tuổi 80, nhà văn Nguyễn Chí Trung đã xác lập một kỷ lục mới trong giới nhà văn Việt Nam: Ở độ tuổi ấy mới bắt đầu viết tiểu thuyết và ngay lập tức giành giải thưởng danh giá - Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2008
Xứng đáng để tôn vinh
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nói rằng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2008, thể loại tiểu thuyết, đã thực sự tìm được tác phẩm xứng đáng để tôn vinh. Nhà văn Nguyễn Chí Trung đã viết với độ lùi chiêm nghiệm, thể hiện một cách trình bày chiến tranh sâu hơn, không né tránh, khốc liệt mà bi hùng. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng các tình huống trong tiểu thuyết đã được nhà văn Nguyễn Chí Trung khai thác triệt để, bi kịch được đẩy đến tận cùng. Nhân vật của ông vừa bình thường vừa khác thường, mỗi đối diện là những thử thách vô cùng khốc liệt. Các nhân vật phản diện mà “cái ác lặn trong máu” cũng được ông xây dựng sinh động. Miêu tả kẻ thù đúng với bản chất của nó cũng là cách đề cao phẩm giá của những người chiến thắng. Nguyễn Chí Trung viết về chiến tranh trong quá khứ nhưng gửi gắm rất nhiều thông điệp cho cuộc sống hôm nay. Đó là cuộc chiến trong mỗi người, cuộc đấu tranh giữa đúng và sai, giữa dũng cảm và hèn nhát, giữa cao thượng và giả dối, giữa địa vị và cống hiến. Ông cũng gửi gắm ý tứ sâu xa trong tác phẩm, rằng khi qua sông chớ quên người chở thuyền, trước mặt anh vẫn còn nhiều con sông với lắm ghềnh thác.
Đi vỡ hoang văn học
“Tôi muốn cày xới những vùng đất mà người khác chưa từng canh tác”, Nguyễn Chí Trung tâm sự. Và quả vậy, trước Tiếng khóc của nàng Út, chưa một cuốn tiểu thuyết nào viết về miền Trung giai đoạn trước và sau ngày tập kết cho đến cuộc khởi nghĩa Trà Bồng tháng 8-1959, giai đoạn khủng khiếp nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Hơn 40 năm sau, nhà văn già hồi tưởng lại quãng thời gian cay đắng và dũng cảm của những người kháng chiến ở Quảng Ngãi trước khi nổ ra khởi nghĩa Trà Bồng. Khi đó, xứ Bàu Ốc và những vùng tự do trên đất Quảng bị chuyển sang tay “chính quyền quốc gia” do Pháp rồi Mỹ hậu thuẫn. Những cuộc trả thù tàn khốc với những người kháng chiến cũ bắt đầu, sau đó trở thành các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” và cao trào là chính quyền Sài Gòn ban hành luật 10/59 chém đầu bất cứ ai bị tố giác là Việt cộng. Đối mặt với “cuộc chiến tranh một phía” khi ấy, những chiến sĩ và cán bộ cách mạng ở lại cùng quần chúng phải chấp hành chủ trương tuân thủ hiệp định, đấu tranh hòa bình để chờ thời hạn hai năm đến tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước. Bao trùm những trang sách là nỗi đau của người vừa hôm trước chiến thắng, hôm sau lại phải bó tay nhìn đối phương quay lại đắc thắng với những thủ đoạn độc ác. Những chiến sĩ bị tước vũ khí buộc phải lẩn tránh, không khí khủng bố có mặt khắp nơi khiến người dân bỗng trở nên e dè, nghi kỵ lẫn nhau. Ở đó, anh bộ đội tên Đua cụt hai chân đã bị chôn sống sau khi bị bắt. Trong đêm, Đua moi đất chui lên, lết vào rừng, tự buộc mình vào gốc cây rồi mỏi mòn chờ chết. Ít người biết, suốt mấy năm viết tiểu thuyết này, tác giả đã rất nhiều lần trở lại những vùng kháng chiến xưa, gặp lại những nhân chứng cũ để củng cố tư liệu. Thậm chí, nhiều người còn nghĩ ông về đất Quảng là để tìm hiểu cuộc sống đói no của người dân, từ đó đưa ra những kế sách gửi lên lãnh đạo.
Chỉ là sự mở đầu
Thiếu tướng quân đội, nguyên phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, trợ lý của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu... gần như suốt cuộc đời Nguyễn Chí Trung lúc nào cũng tất bật với công việc. Khi sắp về hưu, ông tâm sự cùng các đồng nghiệp thời kỳ còn công tác, bận rộn không sáng tác được, bây giờ nghỉ hưu có nhiều thời gian, ông muốn tập trung cho việc viết. Ước muốn của ông đã được toại nguyện. Cho đến tận bây giờ, tạp chí Văn nghệ Quân đội vẫn dành riêng cho ông một phòng làm việc để ông sáng tác. Chính ở căn phòng nhỏ trên phố nhà binh Lý Nam Đế, nhà văn Nguyễn Chí Trung đã bắt đầu những tiểu thuyết vốn ấp ủ suốt mấy chục năm qua mà Tiếng khóc của nàng Út là sự mở đầu. Nói là mở đầu, vì nhà văn vẫn viết đều và ông còn ôm ấp những dự án tiểu thuyết khác. Ông còn muốn viết nhiều về những nơi ông đã sống, đã hoạt động vừa với tư cách là nhà văn vừa là một cán bộ lãnh đạo. Cho đến tận bây giờ, tuổi đã già, chân đã đau, ông vẫn đi rất nhiều, tìm về những chiến trường xưa, tìm tư liệu cho sáng tác sắp tới.