Có những bộ phim “quen mặt” với khán giả truyền hình tới mức mỗi năm, vào đúng một dịp lại theo “quỹ đạo” lên sóng một lần, như ở ta cứ hè sang là Tây du ký, Đến thượng đế cũng phải cười… Còn dịp Noel, năm mới lại Ở nhà một mình (Home alone, 1990). Vậy mà xem lại xem hoài vẫn hấp dẫn, tại sao?
Tình huống trong Ở nhà một mình đơn giản là một gia đình đi nghỉ lễ Noel tại nước Pháp xa xôi để sót cậu con trai 8 tuổi ở lại nhà, cùng lúc hai tên trộm xuất hiện trong khu phố làm một mẻ “thu gom” cuối năm. Sau cùng, chính chúng lại bị cậu bé đánh bại bằng vô vàn lớp bẫy khéo léo và rất trẻ thơ.
Từ một "mong ước" rất nổi loạn kiểu trẻ con “Con hi vọng không bao giờ phải thấy ai trong gia đình này nữa!” là lời giải thích cho sự biến mất của gia đình cậu sau một đêm tỉnh giấc. "Mong ước" thành sự thật, và cậu bé phải bắt đầu hành trình học cách tự lập, từ việc ăn uống, giặt giũ tới… đuổi trộm và cuối cùng nhận ra mình ước ao có gia đình ở cạnh thế nào.
Bên cạnh mạch chuyện chính và những xung động tâm lý rất tự nhiên, cảm động, bộ phim còn hấp dẫn ở cách thể hiện hài hước và diễn xuất tuyệt vời của diễn viên nhí Macaulay Culkin. Thú vị ở chỗ, chuyện một cậu bé rơi vào tình cảnh rơi nước mắt lại khiến khán giả cười không dứt. Nếu phải tóm gọn lại, thì công thức cho vẻ hóm hỉnh đáng yêu của cậu nhóc Kevin = nét mặt trẻ con + điệu bộ, cử chỉ của người lớn.
Câu chuyện là bài học trưởng thành của cậu bé. Bản tính quậy phá nên khi ở một mình, thoạt tiên Kevin không sợ hãi như những đứa trẻ thông thường ở tuổi cậu.
Ngược lại, đây một dịp may hiếm có để cậu tận hưởng quyền làm người lớn. Không khí tươi sáng và hứng khởi nhất phim là khi cậu nhóc tỳ sung sướng “nổi loạn”: chân gác ghế sôfa vừa ăn vừa xem phim tội phạm, tắm gội bằng “đồ xịn”, vừa bôi gel vừa nhép miệng theo bài White Chrismas, đung đưa lúc lắc đúng điệu một ca sỹ hào hoa cứng tuổi.
“Đỉnh” của những điệu bộ học theo người lớn còn ở đoạn Kevin thôi quậy phá và bắt đầu hiểu rằng phải một mình sống tự lập. Hãy chú ý điệu bộ vung tay, vỗ ngực khi đáp lại cô thu ngân siêu thị: “Cô ạ, cháu đã 8 tuổi rồi và cháu có thể tự đi mua hàng được”, hay ánh mắt lim dim tài tử nhìn thẳng vào người đối diện, hệt như một Clark Glabe hay Elvis Presley mang gương mặt búng sữa!
Nhờ tài năng diễn xuất độc đáo của Macaulay Culkin, bấy giờ 10 tuổi, mà khán giả được dịp phì cười mỗi lần nhận thấy một người lớn quanh mình trong thân hình trái ngược: bé nhỏ và trẻ thơ.
Phi lý mà vẫn... phì cười
Không phải ngẫu nhiên Ở nhà một mình trở thành một kỷ lục doanh thu của năm 1990. Giáng sinh, với người Âu Mỹ là ngày lễ thiêng liêng tượng trưng cho mùa của đoàn tụ và hi vọng vào những phép mầu.
Đánh trúng tâm lý cô đơn và mong ước quây quần bên người thân, nên khi những thước phim cuối cùng khép lại, người xem vẫn còn lưu giữ mãi hình ảnh Kevin rảo bước về nhà giữa đêm Noel, lặng lẽ nhìn một gia đình ven đường sum vầy ấm cúng quanh bàn tiệc cuối năm, hay cảnh mẹ, rồi cha và các anh chị trở về, bao mong đợi vỡ òa quanh cây thông Noel. Ngoài kia, ông lão quét tuyết cũng ấm lòng trong vòng tay của con trai và cô cháu gái. Giáng sinh thực sự có phép mầu khi giúp hàn gắn tình thân máu mủ!
Nếu đem so với những phim kiểu Nhà máy Socola của Charlie…, màu sắc trong Ở nhà một mình không quá rực rỡ và giả tưởng, không nhiều những kỹ thuật điện ảnh độc đáo. Ngược lại, nó nghiêng về một phong cách tự nhiên và đơn giản, hiệu quả nhất để tạo ra cảm giác trong trẻo của trẻ thơ và gần gũi của cảm xúc.
Trong pha đột nhập có một điểm ngẫu nhiên đến khó xảy ra: Tên trộm béo lùn liên tiếp trúng các bẫy gây bỏng, còn tên trộm cao gầy tòan dính “đòn” với đôi chân. Trên tổng thể, mọi lớp bẫy của cậu nhóc hoàn toàn là những “bẫy trẻ con”, tạo ra từ đồ chơi và đồ gia dụng bình thường.
Chúng chỉ dừng ở bước quấy rối, chọc phá chứ hoàn toàn không nhằm gây hại hoặc tiêu diệt “địch”, vậy mà vẫn khiến nhóm đạo chích tiếng tăm chiến bại. Nghe qua có phần gượng ép, nhưng rồi ta dễ dàng chấp nhận vì màn giới thiệu nhân vật từ đầu phim tới giờ đã được chuẩn bị sẵn để san phẳng sự vô lý.
Kevin làm bất cứ việc gì, từ giặt giũ, trang hoàng nhà cửa đón Noel tới chuẩn bị bữa tối Giáng sinh cũng tươm tất, đầy đủ, đúng “thủ tục” như người lớn.
Còn hai tên trộm thì hậu đậu, thậm chí sở thích trẻ con: nghịch đồ chơi và tháo nước chọc phá chủ nhà. Khoảng cách tuổi giữa hai “đối thủ” không còn quan trọng. Vả lại, mức độ nhẹ nhàng, hài hước của kiểu bẫy trẻ con mới đáp trúng không khí mà khán giả mong đợi ở một phim thiếu nhi hài và tình cảm. Chính sự thông minh, sáng tạo từ những vật dụng gần gũi cũng đem tới nụ cười ý nhị. Miễn sao sự tình cờ được đặt logic trong thế giới riêng của một kịch phim, nó sẽ trở thành tình tiết phi lý “đắt”!
Đặt sự tình cờ và một tình huống gây bất ngờ lại là một phép hài khác. Như chi tiết chú nhện nhiệt đới bò khắp nhà trong khi cậu bé không hề biết, ban đầu khiến khán giả đoán định nguy cơ gây hại với nhân vật chính tý hon. Không ngờ rằng, ngược lại, chú nhện tình cờ là chìa khóa giải vây cho Kevin khi bị một tên trộm “tóm cẳng”. Tình huống giãn nở, đáp án ngược với sự đoán trước và nhân vật được giải vây, điều đó làm nổ ra tiếng cười sảng khoái.
Cộng thêm vào đó, diễn xuất mang tính cường điệu của hai diễn viên trong vai kẻ trộm cũng góp vào một tràng cười thỏa chí. Những cú trượt té bay tung người, vẻ mặt thất thần nhìn nhau tới tội nghiệp… là gia vị không thể thiếu cho “bữa tiệc” đêm giáng sinh đặc biệt dành cho chúng.