Giới thiệu những bản tình ca bất hủ của cố nhạc sỹ Trần Hoàn

09:09, 18/12/2008

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh nhạc sỹ Trần Hoàn và 5 năm ngày  mất của ông, Nhà hát nhạc nhẹ Việt Nam xây dựng chương trình biểu diễn “Như một cánh chim” gồm các ca khúc nổi tiểng tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 26 – 27/12.

Chương trình gồm 2 phần: Phần 1 với chủ đề “Cánh chim với mùa xuân” là những ca khúc ca ngợi mùa xuân, đất nước trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Công chúng sẽ được nghe lại những nhạc phẩm bất hủ của nhạc sỹ Trần Hoàn như: “Mùa xuân nho nhỏ”, “Mưa rơi”, “Tình ca mùa xuân”, “Rừng và biển”, “Em nghĩ gì khi mùa xuân đến”, “Vỗ bến Lam Chiều”, “Sơn nữ ca”…

 

Phần 2 – chủ đề “đất nước quê hương”. Trần Hoàn là một trong những nhạc sỹ rất nặng lòng với từng thôn làng của quê hương đất nước. Vì thế những sáng tác của ông về những vùng quê Việt Nam dung dị nhưng cũng làm lay động lòng người. Các ca khúc được giới thiệu trong phần này là: “Thăm bến nhà Rồng”, “Đêm hồ Gươm”, “Về lại Hải Phòng”, “Mai em về Hà Tĩnh”, “Nhớ Nhật Lệ” , “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”, “Quảng Trị mến thương”, “Lời ru trên nương”, “Huế thương”.

 

Các ca sỹ tham gia chương trình là: NSND Thu Hiền, NSND Quang Thọ, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Thái Bảo, , Lan Anh, Phương Anh ,Thành Lê, Phương Thảo ,Hà Vi, Đăng Dương, TrọngTấn, Tấn Minh,Tuấn Phương…

 

Nhạc sỹ Trần Hoàn tên khai sinh là Nguyễn Tăng Hích, còn có bút danh là Hồ Thuận An, sinh năm 1928, quê ở Hải Lăng, Quảng Trị. Ông tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ, từng là Bộ trưởng Bộ VH-TT, rồi làm Phó ban tư tưởng Văn hoá Trung ương, và trước khi mất là Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.

 

Nhạc sỹ Trần Hoàn đã tham gia hoạt động âm nhạc trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông có những tác phẩm nổi bật như: “Sơn nữ ca”, “Lời người ra đi”, “Con trâu kháng chiến”, “Bà Ba”.... Sau ngày hoà bình lập lại 1954, ông về làm giám đốc Sở Văn hoá Hải Phòng và ông vẫn tiếp tục sáng tác. Bài “Kể chuyện người cộng sản” đã được dựng thành hợp xướng 6 bè.

 

Ca khúc “Xin mời anh chị về thăm Hải Phòng” khép lại 10 năm gắn bó với Hải Phòng. Sau đó, Trần Hoàn vào chiến trường Trị Thiên với bút danh Hồ Thuận An. Những sáng tác của ông trong thời kỳ này là: “Tiếng ca trên Gio Cam giải phóng”, “Lời ru trên nương” (phỏng thơ Nguyễn Khoa Điềm)... đã làm nức lòng mảnh đất Trị Thiên.

 

Hơn hai mươi năm qua ông đã để lại những giai điệu khó quên như: “Một mùa xuân nho nhỏ” (phỏng thơ Thanh Hải), “Chào mùa xuân”, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”, “Khúc hát người Hà Nội”, “Đêm Hồ Gươm”, “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”....

 

Hơn 60 năm sáng tác, kinh nghiệm ông đã rút ra là: “Muốn viết được một ca khúc hay, cần phải hội tụ đủ 5 chữ T là Tầm nhìn, vốn sống Thực tiễn, cái Tâm, Trình độ và cuối cùng là phải có Tài. 4 chữ T đầu phải tự thân đạt được còn chữ cuối cùng thì sẽ do thời gian và công chúng thẩm định”. Các ca khúc của ông đậm chất trữ tình và dân ca, là kết quả của niềm đam mê dân ca Nghệ Tĩnh và những điệu ru hời của người mẹ kính yêu.

 

Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm tập ca khúc “Lời ru trên nương”, tập ca khúc “Một mùa xuân nho nhỏ”, tuyển tập ca khúc 105 ca khúc Trần Hoàn. Ông đã có nhiều Album Audio và Video xuất bản. Ông nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2001.