Mới đây, trong quá trình tu tạo khu di tích khảo cổ học tại Hang xóm Trại, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn (Hoà Bình), Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã phát hiện lối mòn của người nguyên thuỷ.
Tiến sĩ Nguyễn Việt thuộc Trung tâm này cho biết: Qua phân tích và đo bằng các bon phóng xạ, chúng tôi nhận định đây là lối mòn của người nguyên thuỷ cách đây 21 nghìn năm thuộc văn hoá Hoà Bình và là lối mòn cổ nhất ở vùng Đông-Nam Á, thuộc loại phát hiện hiếm trên thế giới.
Năm 2004 nhóm nghiên cứu liên hợp giữa Bảo tàng Hoà Bình với Trung tâm Tiền sử Đông-Nam Á đã phát hiện một ngách đi vào Hang xóm Trại nằm sâu dưới mặt tầng văn hoá cổ chừng 4 mét, len qua khoảng cách giữa các khối đá lăn với vách cửa hang.
Tuy nhiên, do thời gian và điều kiện tầng văn hoá bị nước nhũ kết cứng nên trong thời điểm đó, Trung tâm chưa phát hiện ra những dấu mòn đi lại. Trong quá trình tu tạo khu di tích khảo cổ học Hang xóm Trại lần này, Trung tâm đã phát hiện và khai quật được bộ xương người nguyên thuỷ có niên đại cách đây 21 nghìn năm là căn cứ để xác định lối mòn đi lại của người nguyên thuỷ.
Các dấu vết của lối mòn này sẽ được làm khuôn silicon và bảo quản bằng các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.