Đằng sau những cuốn sách là cả một thế giới ngầm với đủ những mánh khóe làm ăn của những đầu nậu, thậm chí cả các NXB. Ông Nguyễn Dược – một đầu nậu đã “giải nghệ” kể lại những cách thức “làm ăn” của đầu nậu sách với tác giả, và cả sự cạnh tranh lẫn nhau trong giới làm sách.
Tôi làm sách từ năm 1975 đến bây giờ. Thời gian đầu, tôi làm NXB Khoa học Kỹ thuật sau đó sang Trung tâm Hóa chất làm in ấn nhưng vẫn làm sách. Tôi có thể khẳng định rằng, làm sách tư nhân hiện nay đều làm ăn gian lận, không ít thì nhiều phải có một trong những mánh khóe ấy thì mới có thể có lãi.
Quản lý in nối bản chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”
Anh làm sách (đầu nậu) làm ăn rất nhập nhèm. Thứ nhất là khai gian số lượng in. Bình thường NXB chỉ khai in có 1000 cuốn nhưng thực tế có khi in hơn rất nhiều cho nên đơn vị quản lý đi bắt sách nối bản chẳng khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”. Tôi chưa muốn nói tới những việc tiêu cực trong chuyện ấy, chỉ nói công khai thì đây là việc “bắt cóc bỏ đĩa” vì nếu xảy ra chuyện gì thì NXB cũng vô can.
Nếu một cuốn sách hiện nay in 1000 bản thì lỗ chứ không thể nào có lãi được. Tôi cho rằng sách tư nhân hiện nay núp dưới các nhà xuất bản là rất tệ hại vì các NXB không làm gì cả mà thu của họ 6 - 8 % giá bìa. Người ta chỉ bán có mỗi cái giấy phép.
Tôi là người phải biên tập rất nhiều những sách đã được Giám đốc NXB đồng ý cho in. Tôi cho rằng như thế là cực kỳ vô lý. Nếu đấy là NXB cổ phần thì ông Giám đốc vẫn phải có trách nhiệm, đằng này nói cho chính xác là đi mua giấy phép mà làm như thế thì nó dẫn đến những hậu quả như thế này: Ví dụ tôi kí hợp đồng với anh tôi trả cho anh 10% nhuận bút, tôi trả cho NXB 8% tiền mua giấy phép, tôi trả tiền giấy, mực và công in (hiện nay tăng cao) thì in 1000 cuốn làm đúng với những cái anh đề ở xi – nhê (thông số xuất bản của cuốn sách in ở gần cuối) thì chắc chắn là lỗ chứ không có lãi. Chưa kể là tiền biên tập, tiền đánh máy … chính vì như thế hiện nay không ai có thể làm thật được! Mẹo làm giả thì không ai giống ai nhưng tựu chung lại thì đều không đàng hoàng.
Một số NXB cũng làm ăn không đàng hoàng. Họ mang danh là biên tập nhưng thực ra là không biên tập. Nếu người làm sách tư nhân muốn giữ uy tín thì phải đi thuê người biên tập ở ngoài. Trong phần xi – nhê bao giờ cũng ghi tên người biên tập là người của NXB nhưng tất cả những người phải chịu trách nhiệm ở xi – nhê đều không có liên quan gì, không chịu trách nhiệm gì trừ phi cuốn sách có gặp trục trặc (!).
Khi tung ra một cuốn sách người ta cũng không biết trước là nó thắng hay nó thua. Tôi lấy ví dụ như cuốn Bóng đè, lẽ ra nó chỉ bán được 1000 bản nhưng dư luận xã hội đã đẩy cuốn Bóng đè phải bán được 10 vạn bản nhưng giấy phép XB cho đến bây giờ có lẽ chỉ cho phép không quá 3000 bản được phát hành.
Hơn nữa, giới làm sách chúng tôi có kinh nghiệm thế này: Cứ cuốn nào (sách văn học) bị cơ quan chức năng “thổi còi” thì cuốn đó bán chạy. Tất nhiên nếu là sách khoa học kỹ thuật mà bị thổi còi vì làm sai nội dung thì chết hẳn nhưng sách xã hội thì sẽ thắng (!)
Tư nhân cũng “dằn mặt” nhau bằng những kiểu cạnh tranh không lành mạnh
Một cái nữa cũng tạo điều kiện cho những người làm sách tư nhân ăn cắp của nhau. Nếu như anh làm một cuốn sách A mà tôi thấy thị trường bán được thì chỉ sau một đêm tôi cũng có thể làm ra rất nhiều cuốn sách A như thế vì bây giờ phương tiện rất hiện đại. Chính quan hệ giữa tôi và anh đã là một quan hệ rất xấu bởi vì trong cạnh tranh lành mạnh người ta không cho phép anh làm việc ấy.
"Người ta có thể nhân bản một cuốn sách ra thành nhiều cuốn sách có tên khác nhau nhưng nội dung là một. Hoặc cũng có thể làm sai nội dung đi làm cho bạn đọc rất ngán." (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Một cái nữa là lợi dụng vốn của nhau một cách khủng khiếp. Tôi có thể gọi mua 500 bản cuốn sách nào đó của anh nhưng thực chất tôi chỉ tiêu thụ được 50 bản thôi. Như vậy, có khi 3 năm sau anh cũng chưa lấy được tiền của tôi, nếu anh không tin có thể đến kiểm tra, sách của anh vẫn còn nguyên trong kho.
Nếu như anh là người có kinh nghiệm thì anh sẽ chỉ đưa cho tôi 50 bản thôi, có lấy thì lấy. Rất có thể anh lấy được tiền của tôi ngay. Đấy là một thủ thuật chiếm dụng vốn của nhau. Còn nếu anh là tác giả thì không biết đến bao giờ anh mới lấy được tiền nhuận bút mặc dù trong hợp đồng tôi có nói rằng sau 1 tháng sách ra tôi sẽ trả nhuận bút cho anh nhưng thực sự rất khó lấy tiền!
Rồi các khâu khác như nhà in cũng như thế. Có không ít xưởng in tư nhân đã sập tiệm vì kiểu chiếm dụng vốn như thế. Có thể người làm sách sẽ ứng cho nhà in 30 – 50% số tiền trong hợp đồng nhưng còn lại thì rất khó lấy trong một thời gian ngắn. Làm sách tư nhân lợi hơi NXB ở chỗ đó. NXB không trả bằng tiền mặt được, toàn bộ các khoản chi phí đều phải trả qua ngân hàng hết, ngân hàng là người cầm trịch.
Hơn nữa, đến cuối năm thì các cơ quan nhà nước đều phải khóa sổ quyết toán nên kiểu gì NXB cũng phải trả. Nhà nước với nhau lại dễ chịu hơn với tư nhân, tôi là tư nhân tôi có thể tìm mọi lý do để khất anh và tôi không cần quan tâm đến việc quyết toán của anh.
Một cái tệ hại nữa là nó dẫn tới nội dung sách bây giờ rất tồi tệ. Người ta có thể nhân bản một cuốn sách ra thành nhiều cuốn sách có tên khác nhau nhưng nội dung là một. Hoặc cũng có thể làm sai nội dung đi làm cho bạn đọc rất ngán. Không biết người khác như thế nào chứ ngay như chúng tôi khi đi mua sách chỉ tìm tên sách chứ không có thời gian đứng đó để đọc.
Tác giả bị cướp công trắng trợn
Một cái nữa là cướp công một cách trắng trợn của tác giả. Nhiều người làm sách tư nhân lấy sách và mang sang tỉnh khác để làm, sách không ra tới đây (Hà Nội) hoặc họ đổi tên sách đi thì bản thân tác giả không bao giờ biết được. Trong trường hợp vô tình biết được, họ làm một văn bản xin lỗi và mời đến lĩnh nhuận bút thì đã là quá tử tế.
Tôi hứa với tác giả tôi trả 5 triệu VNĐ để anh ta dịch sách cho tôi, nhưng không bao giờ tôi trả ngay một lúc mà tôi kéo dài ra rất nhiều thời gian tôi mới trả hết số đó. Đấy cũng đã là tương đối nể nang nhau rồi chứ nếu không thì còn có rất nhiều cách “chơi” nhau: Anh cứ mang bản thảo đến đây để tôi nhờ người khác đọc, sau hỏi thì nói là không dùng được nhưng thực chất là đã dùng rồi, thực chất là ăn cắp sản phẩm của tác giả (“chiêu” này áp dụng rất nhiều cho sách dịch).
Tiền nhuận bút cho tác giả thì có nhiều cách trả. Ví dụ tôi và tác giả thỏa thuận, hoặc là mua đứt bản quyền, hoặc là trả % theo giá bìa sách. Nhuận bút tái bản cho tác giả lần sau sẽ thấp hơn lần đầu. Nhuận bút của tác giả có hai phần, một là nhuận bút cơ bản và hai là nhuận bút tia – ra là khoảng 1%. Rất có thể tác giả nhận nhuận bút tia – ra cao hơn nhuận bút cơ bản nhưng bây giờ không ai theo đuổi được cái đó nữa vì không ai thật thà với tác giả, và người thiệt thòi nhất vẫn là tác giả. Vậy thì kiểu gì tác giả bây giờ cũng bị thiệt với đầu nậu.
Bây giờ chuyện kiện cáo bản quyền với tác giả cũng rất khó khăn. Thậm chí ngay cả khi anh tìm đến NXB họ cũng nói rằng họ ghi nhận những thông tin của anh và họ sẽ thuê 3 người để thẩm định về cuốn sách. Và trước hết anh phải trả tiền cho ba người đó đã. Và còn rất nhiều tốn kém sau đó nữa và chưa chắc đã “thắng”. Nếu có “thắng” nữa thì cũng chỉ “thắng” về danh dự thôi chứ còn tiền bạc sẽ tốn kém rất nhiều khiến cho tác giả chán nản.
Thực ra làm sách tư nhân hiện nay, nhiều người rất thiếu đứng đắn. Chính bản thân tôi cũng phải bỏ cuộc vì nói sòng phẳng ra thì không đủ sức để làm ăn bẩn thỉu, cạnh tranh với họ. Tôi không biết rằng họ giàu đến đâu bằng con đường làm ăn như thế nhưng tôi nghĩ rằng kinh doanh có uy tín mới có thể giàu được chứ không phải bằng cách làm ăn điên đảo và chụp giật như thế, đấy là theo ý kiến chủ quan của tôi.