‘Chênh vênh’ được chọn là Bài hát của năm 2008

10:25, 19/01/2009

Tối 18/1, tại Hà Nội, tác giả trẻ Lê Cát Trọng Lý với tác phẩm đầu tay "Chênh vênh" đã đoạt giải thưởng quan trọng nhất: Bài hát của năm trong chương trình Bài hát Việt 2008

21 tuổi, Lê Cát Trọng Lý lần đầu tiên tham gia sân chơi Bài hát Việt và thành công ngay. "Chênh vênh" mượn hình ảnh Tiên Dung, Chử Đồng Tử để nói về sự chệnh vênh của những đôi lứa yêu nhau nhưng không thể đến được bến bờ hạnh phúc bởi một lý do: không môn đăng hộ đối. Nếu thực sự yêu thương nhau, thì họ sẽ phải cố gắng rất nhiều để vượt qua cái rào cản nghiệt ngã ấy.

 

Có tổng số trên 700 ca khúc hợp lệ của các tác giả gửi tham dự cuộc thi, trải qua 8 tháng, với 8 liveshow, Bài hát Việt 2008 (sân chơi âm nhạc của Đài Truyền hình Việt Nam) đã giới thiệu được 56 ca khúc mới, hay và lạ đến khán giả cả nước.

 

15 ca khúc nổi bật nhất đã được các ca sĩ trình diễn trực tiếp trên sân khấu Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội vào đêm chung kết, trong đó, tám ca khúc từng đoạt giải bài hát của tháng, ba ca khúc đoạt giải bài hát được yêu thích nhất và bốn ca khúc được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao.

 

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thay mặt hội đồng thẩm định đánh giá: Những tác giả có tác phẩm đoạt giải cuộc thi Bài hát Việt 2008 đã không hề rụt rè, lép vế trước những đàn anh, đàn chị thuộc lớp người sáng tác âm nhạc ở thế hệ 7X. Với trình độ tương đối đồng đều, mỗi tác giả trẻ đã mang đến sân chơi này những phong cách sáng tác khác nhau, có độ dày trong khả năng sáng tạo. Và điều đặc biệt nhất, hầu hết những tác phẩm đoạt giải đều không lặp lại cái cũ, nói "không" với nhạc thị trường...

 

Nhìn lại tất cả những bài hát đoạt giải thưởng tháng do Hội đồng nghệ thuật và khán giả bình chọn ở Bài hát Việt 2008, hội tụ đủ các phong cách nhạc từ rock, jazz, pop, R&B, world music cho đến dân gian đương đại. Trong số 15 ca khúc được đề cử có năm ca khúc thuộc thể loại rock, trong đó, alternative rock có ba đại diện: “Góc tối" (Nguyễn Hải Phong), "Gọi tôi Hà Nội" (Trịnh Minh Hiền) và "Hoa lài màu xanh" (Tina Tình); còn lại là pop rock: "Em trong mắt tôi" (Nguyễn Ðức Cường) và progressive rock: "Cướp vợ, tục lệ người Mông" (ban nhạc Ngũ Cung).

 

Pop, dòng nhạc phổ thông với những giai điệu và ca từ dễ nghe, dễ nhớ, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ có năm ca khúc: "Bài ca tình yêu" (Thành Vương), "Chênh vênh" (Lê Cát Trọng Lý), "Có những diệu kỳ" (Jazzy Dạ Lam), "Ðêm đom đóm" (Ðại Nhân, Thăng Long) và "Mùa xuân hát" (An Hiếu).

 

Các thể loại khác đều có một ca khúc đại diện: "Chong đèn" (Ðức Nghĩa, phong cách dân gian đương đại), "Phố chiều" (Thành Vương, nhạc country), "Li ti" (Sa Huỳnh, world music), "Phố cổ" (Nguyễn Duy Hùng, funk jazz), "Em sẽ là giấc mơ" (Lưu Thiên Hương, phong cách R&B).

 

Các ca sĩ tham gia trình diễn trong hai đêm chung kết và trao giải Bài hát Việt 2008 gồm: Nguyễn Hải Phong, Ngọc Khuê, Y Garia, Tóc Tiên, Ðinh Mạnh Ninh, Nguyễn Ðức Cường, Thùy Chi, Hoàng Hải, Ðại Nhân, Tô Minh Ðức, Hải Yến, Nguyễn Ngọc Anh, Lê Cát Trọng Lý và ban nhạc Ngũ Cung.

 

Viết trên nền nhạc theo phong cách alternative rock, bài hát "Gọi tôi Hà Nội" chính là tuổi thơ của tác giả Trịnh Minh Hiền. Hà Nội xưa và nay, với những tình cảm thẳm sâu, những hồi ức trong sáng của một cô bé về Hà Nội 20 năm, 10 năm trước, trong sáng, nhẹ nhàng và thuần khiết.

 

Khán phòng Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội chợt lặng đi khi nghe ca sĩ trình bày tác phẩm "Có những diệu kỳ" của Jazzy Dạ Lam. Bài hát viết về Thiện Nhân, một em bé bị bỏ rơi ở xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Động vật đã xâm hại mất một phần thân thể của bé. Nhưng rất may mắn, Thiện Nhân đã được các bác sĩ trong và ngoài nước giúp phục hồi chức năng, lớn lên trong sự quan tâm, sẻ chia và giúp đỡ nơi những trái tim giàu lòng nhân ái…