Hà Nội mới: Thêm nhiều lễ hội trong dịp Tết nguyên đán

09:32, 15/01/2009

Nếu như Tết năm ngoái, Hà Nội chỉ có một vài, nhưng sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, Thủ đô đã có thêm rất nhiều lễ hội, chủ yếu bắt đầu vào đầu tháng Giêng.

Lễ hội Cổ Loa diễn ra tại xã Đông Anh, ngoại thành Hà Nội từ ngày 6 đến 16 tháng giêng âm lịch (chính hội ngày 6) để tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương, người đã được vua Hùng thứ 18 nhường ngôi. Ông đã có công xây thành Cổ Loa, trị vì Âu Lạc trong 50 năm vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên.

Lễ hội Đống Đa diễn ra vào ngày 5 Tết Nguyên Đán (5/1 âm lịch) tại Đống Đa. Đây là nơi lễ hội chiến thắng, mừng công tích lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, do hoàng đế Quang Trung (Nguyễn Huệ), người anh hùng áo vải Tây Sơn lãnh đạo. Cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang. Sau đám rước “rồng lửa Thăng Long” là lễ dâng hương, lễ đọc văn. Hội còn có nhiều trò vui, đua tài, đua trí trên sân bãi tại gò Đống Đa lịch sử.

Hội Chùa Trăm Gian xã Tiên Phương, Chương Mỹ là lễ hội thờ phật diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6 tháng giêng âm lịch. Trong hội có lễ rước kiệu, múa rối nước, đấu vật.

Hội Chùa Hương xã Hương Sơn, Mỹ Đức là lễ hội dài nhất Việt Nam từ ngày 6 tháng giêng đến ngày 25 tháng ba âm lịch. Du khách thập phương về đây lễ phật cầu may và tham quan khu danh thắng Hương Sơn.

Hội Quán Thánh xã Thống Nhất, Thường Tín mở vào ngày 8 tháng giêng âm lịch thờ thành hoàng là Thánh Gióng, người có công đánh giặc Ân bảo vệ đất nước. Trong hội có lễ dâng hương, đánh cờ người.

Hội Chùa Đậu xã Nguyễn Trãi, Thường Tín diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng giêng âm lịch thờ thần Pháp vũ, bà Đậu. Trước đây là lễ cầu mưa của vua chúa phong kiến, nay là dịp lễ phật cầu may đầu xuân của dân trong vùng.

Hội làng Chuông xã Phương Trung, Thanh Oai diễn ra vào ngày 10 tháng giêng âm lịch để tưởng nhớ công ơn của Bố cái đại vương Phùng Hưng. Trong hội có lễ dâng hương, rước kiệu, hội thổi cơm thi. Đây còn là làng làm nón lá cổ truyền nổi tiếng.

Hội Dô xã Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, trước đây 36 năm mới mở hội một lần. Hiện nay, hội diễn ra từ ngày 10 đến ngày 15 tháng giêng âm lịch để tưởng nhớ công lao của Đức thánh Tản Viên, người đã truyền dạy dân làng các điệu hát Dô. Trong hội có các trò chơi như bơi thuyền, múa rối và đặc biệt không thể thiếu hội thi hát Dô.

Hội làng Đa Sĩ xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đông diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15 tháng giêng âm lịch để tưởng nhớ công lao của thành hoàng và cũng là ông tổ nghề rèn, Hoàng Đôn Hoà. Trong hội có các nghi lễ như rước kiệu, múa rồng.

Hội Đình Tây Đằng thị trấn Tây Đằng, Ba Vì diễn ra vào ngày 15 tháng giêng âm lịch, tưởng nhớ công lao đức thánh Tản Viên và hai vị tướng của ông là Cao Sơn và Quý Minh. Trong lễ hội có lễ dâng hương, rước kiệu và bài vị của ba thánh

Hội Đền Và xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây mở vào ngày 15 tháng giêng âm lịch, thờ đức thánh Tản Viên. Trong hội có lễ dâng hương, cứ vào năm chẵn lại có lễ rước kiệu lên đền thượng trên đỉnh Ba Vì, lễ tắm tượng, tục đánh cá.
Hội làng La Khê xã Văn Phú, thị xã Hà Đông mở ngày 15 tháng giêng âm lịch với nghi lễ dâng hương, rước kiệu và các trò chơi dân gian như đấu vật, thi võ, đập niêu, thổi cơm thi.

Hội hát Chèo tầu xã Tân Hội, Đan Phượng, trước đây 30 năm mới mở một lần. Ngày nay từ 5 đến 7 năm mở hội từ ngày 15 đến ngày 23 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ công đức của Văn Dĩ Thành một viên tướng có công đánh giặc dưới thời nhà Trần. Trong hội có biểu diễn hát chèo tầu trên các mô hình thuyền rồng và các trò chơi dân gian khác, đây là một lễ hội dân gian rất độc đáo và đặc sắc của vùng văn hoá xứ Đoài.