Nhân kỷ niệm 30 năm Cam-pu-chia thoát khỏi diệt chủng Pôn Pốt (7/1/1979 - 7/1/2009), ngày 6-1 tại Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc triển lãm ảnh báo chí với chủ đề "Những thời khắc Cam-pu-chia" của tác giả nhà báo lão thành - nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Phương.
Nguyễn Hồng Phương (tòng quân năm 1954) từng là phóng viên chiến trường của báo Quân đội nhân dân thời kỳ chống Mỹ ở phía Nam quân khu 4, Hà Nội, Hải Phòng, vào mặt trận B2, rồi sang chiến trường Cam-pu-chia. Bao nhiêu năm vác máy, cầm bút theo chân bộ đội Việt Nam tại chiến trường Cam-pu-chia, ông không chỉ để lại những tác phẩm báo chí ca ngợi tinh thần đoàn kết hữu nghị của nhân dân 2 nước và nghĩa vụ quốc tế cao cả của quân đội Việt Nam giúp nước bạn thoát nạn diệt chủng; mà còn ghi lại những dấu ấn lịch sử, dấu ấn con người trong cuộc chiến tranh khốc liệt này. Những lần hành quân cùng với đoàn quân sốt rét vào mùa mưa, nước ngập tới thắt lưng, chảy xiết nhưng vẫn phải băng qua; những trận đánh; những lần cứu dân... Những hình ảnh ấy đã gây một ấn tượng sâu đậm về sự mất mát, đau thương của bộ đội Việt Nam và nhân dân Cam-pu-chia ông ghi tạc bằng những khuôn hình, trang viết bi tráng.
Đến với cuộc triển lãm này, người xem không khỏi xúc động trước những tác phẩm: Bộ đội Việt Nam phản công vào Praxốt, trừng trị bọn Pôn Pốt, giải phóng và cứu giúp nhân dân tỉnh Svay Riêng; niềm vui của nhân dân Ba Vét - Svay Riêng khi thoát khỏi họa diệt chủng; một cánh đồng chết do họa diệt chủng Pôn Pốt gây ra… Nhìn nước mắt trẻ thơ đang khóc òa trong vòng tay người mẹ vừa thoát khỏi bàn tay của bọn diệt chủng ở làng Praxốt đã được ông ghi lại qua tác phẩm "Bộ đội Việt Nam phản công vào Praxốt, trừng trị bọn Pôn Pốt, giải phóng và cứu giúp nhân dân tỉnh Svay Riêng". Đây chính là nơi các chiến sĩ Quân đoàn 1 tiến vào để giải cứu gần 5 nghìn thường dân đang bị bọn Pôn Pốt sát hại vào năm 1978. Hình ảnh Ba Vét những ngày bị Pôn Pốt tàn sát giờ đây đã hồi sinh, tạo cảm hứng cho Hồng Phương ra đời tác phẩm: "Cửa khẩu quốc tế Ba Vét hôm nay nhìn từ Mộc Bài". Ông tâm sự: "Tôi không hề có ý định giữ lại những bức ảnh này để có cuộc triển lãm ngày hôm nay, tôi muốn giữ lại chỉ vì đó là giá trị xương máu của đồng đội, của đồng bào mình đã cống hiến, hy sinh. Có những ảnh chỉ còn sót lại tấm phim có kích thước rất nhỏ, có những ảnh không còn tấm phim nào phải scan để phóng lớn ra, nhưng đó là cả một kỳ công mà tôi bảo quản suốt hơn 30 năm qua".