Triển lãm tranh ''12 con Giáp'' của hoạ sỹ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng sẽ mở cửa khai mạc vào tối 9/01/2009 tới đây. Giới chuyên môn nhận định, đây là một cuộc triển lãm “đáng để xem”, bởi có rất nhiều… cái mới!
Ở Việt Nam, số lượng hoạ sỹ thử nghiệm chất liệu màu này không nhiều. Với Phan Cẩm Thượng, đây cũng là lần đầu tiên hoạ sỹ cho ra mắt công chúng những tác phẩm bột màu pigment.
Triển lãm “12 con giáp” gồm 27 bức tranh khổ lớn, trong đó bộ 12 con giáp - chủ đề chính của cuộc triển lãm và một bức tranh phượng khổ 60 x120cm, được hoạ sỹ vẽ từ năm 2001; 4 tranh chân dung thiếu nữ và 7 bức tranh trừu tượng. Tất cả đều được thể hiện trên nền giấy dó và khung mica.
Theo tác giả, “12 con giáp” là một sự tình cờ và cũng đầy ngẫu hứng. “Năm 1997, khi tôi xuất bản cuốn sách “Điêu khắc Việt Nam”, người phụ trách việc in ấn là anh Ngoạn. Để cảm ơn sự nhiệt tình của anh trong việc giúp tôi hoàn thành công việc in ấn cuốn sách, tôi tặng anh bức tranh con hổ. Về sau, anh Vũ, giám đốc Viet Art biết đến, đã khuyên tôi nên vẽ đầy đủ bộ 12 con giáp. Nó là “nguyên nhân” để có cuộc triển lãm lần này!”.
Phần lớn số tranh trưng bày trong triển lãm lần này đã được Phan Cẩm Thượng sáng tác trong vòng gần chục năm qua, (từ sau triển lãm cá nhân gần nhất của ông năm 1998), và phần lớn được vẽ trong thời gian ông ở các chùa, nhất là chùa Bút Tháp.
“12 con giáp” mang đậm dấu ấn văn hoá dân gian đã được Phan Cẩm Thượng thổi vào bên trong tác phẩm. Ba bức tranh gà, tranh lợn, tranh chuột được lấy ý tưởng từ tranh dân gian Đông Hồ, nhưng đã có sự cách tân mới: đường nét khoẻ khoắn, phóng túng, gam màu tươi, độ tương phản cao, và tất cả các bức tranh đều là số lượng nhiều các con vật chứ không đơn lẻ.
“Trong lối tạo hình của các cụ ngày xưa, tất cả đều có đôi, có cặp, đực – cái, âm – dương…, nó là biểu tượng của sự phồn thực và một cuộc sống tươi mới, đủ đầy. Trong quá trình nghiên cứu kiến trúc điêu khắc đình chùa ở các làng quê Hà Bắc, tôi nhận thấy kiến trúc chạm khắc cổ tại các đình chùa là một đỉnh cao trong điêu khắc Việt Nam, thành ra mình cũng “vận dụng” vẽ lại theo trí nhớ khi sáng tác. Bức tranh con ngựa lấy ý tưởng từ tranh bùa, tranh thập vật; tranh dê, tranh mèo từ một chạm khắc ở chùa Bút Tháp, chùa Dâu…
Trong qúa trình thể nghiệm màu pigment, tôi cũng đưa nhiều hoạ tiết như mây, lửa… vào làm nền để bức tranh sống động, không đơn điệu!” - hoạ sỹ Phan cẩm Thượng cho biết.
"Tôi muốn đưa vào tranh trừu tượng một tinh thần mới, đơn giản, không đánh đố người xem nhưng vẫn đầy trải nghiệm: một chút dấu ấn của tôn giáo, một chút đình chùa, một chút nhìn tổng thể về thế giới quan… Tôi cũng bị ảnh hưởng kiến trúc khối vuông Mandala của Ấn Độ. Đó là một lối tạo hình đặc biệt, và cũng đầy vẻ huyền bí!”.
Cuộc triển lãm “12 con Giáp” kéo dài hết tháng 1/2009, và mở cửa tự do cho người thưởng ngoạn. Phan Cẩm Thượng cho biết, buổi khai mạc tối 09/01, chủ yếu là anh em, bạn bè thân thiết. Ông cũng rất “thẳng thắn” khi đề nghị mọi người đến dự “không mang theo hoa và rượu”! Phan Cẩm Thượng cũng không có ý định đọc diễn văn khai mạc trong triển lãm!
“Điều tôi mong muốn ở “12 con Giáp”, đó là mọi người cùng chia sẻ với tôi những trải nghiệm và sự thể nghiệm. Văn hoá dân gian là một trong những mạch nguồn quan trọng và đỉnh cao của văn hoá Việt Nam, nó cần nhận được một thái độ nghiêm túc trong việc nhìn nhận, nghiên cứu và giữ gìn!” – Phan Cẩm Thượng cho biết.