Cảm nhận từ Chùa Hương

10:02, 17/02/2009

Đã lâu tôi mới có dịp trở lại Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), trước khi đi, trong thâm tâm tôi vẫn còn những ý nghĩ ái ngại về một lễ hội Chùa Hương tôi đã từng đi...

Tôi không quên được cảnh chen lấn xô đẩy của hàng vạn người đi vãn cảnh chùa. Người vào không vào được, người ra không ra được. Tại các chùa, trong động Hương Tích, diện tích thờ cúng thì nhỏ mà ai đến cũng thắp cả nắm hương làm cho không khí trong chùa ngột ngạt vì khói hương mù mịt. Đồ cúng của khách thập phương cũng thật "vô lối", vì ai cũng nghĩ rằng, mình cúng gì thì Phật, Thánh hiến hưởng thứ đó, nên tất tật xôi, thịt, rượu, bia, giò chả đều đặt cả lên Ban thờ. Do chưa có cáp treo nên khách ở xa đến thường phải ngủ lại đêm, mà cái sự ăn, ở tại Chùa Hương trung tâm là khu vực Chùa Thiên Trù thì thật hãi hùng vì hệ thống vệ sinh công cộng không sạch sẽ, nước không có dùng, đi mua cũng phải tiết kiệm; đồ ăn thì giá "cắt cổ"…

 

Nhưng chuyến đi này, những gì tôi được "tai nghe, mắt thấy" đã làm cho tôi có cảm giác không còn ái ngại nữa. Đường vào chùa Thiên Trù đã được xây dựng, mở rộng và có phân luồng cho người đi bộ. Dọc đường vào suối Yến, thi thoảng đã có những tấm bảng cảnh báo mọi người cẩn thận với nạn trộm cắp vặt và giá vé đò, xuồng để tránh chủ đò ép khách lấy thêm tiền. Cảnh người ăn xin nhan nhản trước đây không thấy. Cáp treo được xây dựng đã rút ngắn thời gian đi lại. Đây cũng là lý do khách đến chùa Hương cần đi trong ngày là có thể thăm thú được hết những điểm chính (Đền Trình, chùa Thiên Trù, động Hương Tích và một vài chùa, đền nhỏ khác dọc đường lên, xuống từ chùa Thiên trù vào động Hương Tích).

 

Đến với chùa Hương, đường xa, người đông, không ai quản ngại, nhưng điều đáng sợ nhất là vấn đề vệ sinh ăn, nghỉ thì đến nay đã được cải thiện đáng kể. Khách ở xa đến muốn ngủ lại qua đêm không còn cảm giác bất tiện vì dịch vụ tắm, giặt, các khu vực vệ sinh đã khá sạch sẽ (chỉ cần 20.000 đồng đã có một thùng nước nóng để tắm, nước rửa mặt, rửa tay, chân cũng chỉ 2.000 đến 3.000 đồng/chậu). Dịch vụ ăn uống, nghỉ đêm đã sạch sẽ hơn và giá cả cũng rất phải chăng (40.000 đồng/chiếu nghỉ; 15.000 đến 20.000 /suất cơm…). Điều đáng ghi nhận là, ở các đền, chùa không còn cảnh đốt hương, vàng, mã, sớ khói bay nghi ngút. Đặc biệt, tại các đền, chùa, chỗ nào cũng gắn biển cấm "không được cúng rượu, thịt, giò, chả". Vì vậy, ai có trót mang đi cũng phải ngả ra mà ăn không dám đưa lên các Ban thờ, vì có đặt lên cũng bị các sư đề nghị bỏ xuống ngay. Khách đến đây chỉ cần thanh bông hoa quả tuỳ tâm, có lòng thành tâm hơn nữa thì đóng góp năm ba chục tiền công đức tại các chùa.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, đây đó vẫn còn những điều đáng nói. Đó là cảnh các chủ đò chèo kéo đòi thêm tiền của khách (mặc dù khách đã mua vé theo đúng giá quy định của Ban Tổ chức). Vệ sinh trên dòng suối Yến chưa sạch, trong đó có một phần ý thức của khách nhưng cũng có một phần ý thức của các chủ đò (chúng tôi đã nhìn thấy một số chủ đò sau khi chở khách lên bến đã thẳng tay vứt những gói đồ ăn thừa do khách để lại trên đò xuống suối). Cảnh các nhà hàng, "cò mồi" vẫn bám theo các xe khách để chèo kéo khách vào ăn, nghỉ tại nhà hàng, quán trọ của mình hoặc bán khách cho các chủ đò vẫn chưa thay đổi. Qua đây, chúng tôi cũng khuyến cáo mọi người đi chùa Hương không nên quá lệ thuộc vào những "cò mồi" này kẻo lại phải trả thêm tiền dịch vụ ngoài các giá vé mà Ban Tổ chức đã quy định. 

 

Lòng hướng thiện của mỗi con người khi đến với chùa chiền  là coi như được đến nơi thanh tịnh để tĩnh tâm gột bỏ bụi trần, ước mong về một cuộc sống tốt đẹp, mọi sự bình an. Những gì bên ngoài cửa chùa là cuộc sống ồ ạt, xô bồ sẽ làm mất hết cả sự linh thiêng nơi cửa Phật. Vì thế, những cố gắng của Ban Tổ chức Chùa Hương đã và đang có những cải thiện đáng kể những dịch vụ nơi đây giúp cho cái tâm của người đến với đất Phật sẽ được thanh thản hơn nhiều.