Chạnh buồn Yên Tử

14:25, 12/02/2009

Đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân đất Việt, hằng năm cứ mỗi độ Xuân về, dòng khách thập phương lại đổ về Yên Tử (Quảng Ninh) lễ chùa cầu may. Chúng tôi có mặt ở vùng đất thiêng này sau ngày khai hội mồng 10 tháng Giêng.

Có hai đường chính để đến Chùa Đồng, đích cuối trong quần thể khu di tích Trúc Lâm Yên Tử, nằm chênh vênh ở độ cao hơn 1000 mét: Đi bộ hoặc cáp treo. Nếu chỉ bằng đôi chân và một tấm lòng hướng về Đức Phật, khách thập phương phải mất hơn 3 giờ leo núi. Đã có một số người bỏ cuộc chuyển sang đi cáp treo, tất cả đều mong muốn được thỉnh ba hồi chuông giữa chót vót mây vờn sương cuộn. Cụ bà Nguyễn Thị Hương 82 tuổi, ở Hà Nội đến Yên Tử từ 5 giờ sáng. Cụ cho biết: "Đã ba năm gần đây, năm nào tôi cũng đi chùa Yên Tử, mà chỉ leo bộ. Tuy mệt, nhưng tâm hồn thấy thanh thản. Tôi đến để cầu mong nhiều điều tốt lành cho bản thân, gia đình và xã hội…"

Hệ thống cáp treo được đưa vào sử dụng tại Yên Tử cách đây 4 năm, nhưng để chen chân vào được cabin, khách thập phương phải đợi 3-4 giờ mới đến lượt. Nhiều điểm bán vé đã phải đóng cửa vì lượng khách quá đông. Hệ thống cáp treo Yên Tử được đánh giá là khá an toàn, tuy nhiên, không ít du khách phải một phen hết vía khi cáp thực sự bị treo giữa không trung vì sự cố mất điện. Vài phút sau, hệ thống mới hoạt động trở lại khi Ban quản lý di tích cho vận hành máy nổ.

Ngoài những điều tốt đẹp mà chúng tôi cảm nhận được ở đây thì vẫn còn một số tệ nạn làm vấy bẩn nơi cửa Phật. Chị Vũ Thị Tuyết Minh (người Thái Nguyên) vừa thắp hương ở chùa Hoa Yên xong, đang ngồi nghỉ thì nghe Ban quản lý khu di tích thông báo trên loa truyền thanh đến nhận lại giấy tờ mới biết mình đã bị kẻ gian móc ví. Cũng giống như chị Minh, nhiều khách thập phương đã bị móc ví, móc điện thoại… Bên cạnh đó, rác thải, vỏ lon bia, vỏ trái cây, bánh mì, giò chả…, những gì thiết yếu của một cuộc sống trần tục vứt bừa bãi. Người ta hồn nhiên ăn, hồn nhiên uống và hồn nhiên thải ra mặt đất những thứ không thể ăn, uống.

Ở chùa Hoa Yên, mặt trước các phật tử đang sì sụp khấn vái thì cạnh hông chùa, những người khác vẫn say sưa "ẩm thực", cười đùa và xả rác. Chị Lan, nhân viên vệ sinh tại đây cho biết: "Chúng tôi quét dọn liên tục, nhưng hết đám khách này lại có đám khác tới, không xuể".

Nhờ những nỗ lực của Ban quản lý, nạn mua bán sản vật rừng Yên Tử đã giảm hẳn. Nhưng vẫn có không ít đội bán hàng lưu động cung cấp hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng: Măng trúc, dứa dại, phong lan... Trúc rừng Yên Tử vì thế mà ngày càng trụi dần. Măng non bị bẻ làm thức ăn, trúc "cỡ nhỡ" được các chị vệ sinh sử dụng làm chổi quét đường, còn những thân trúc đã cứng cáp được chặt ngang làm chiếc "chân thứ ba" cho các ông già, bà lão và cả những nam thanh, nữ tú. Một chiếc gậy trúc bán ra với giá 10.000 đồng quả là một món lời hấp dẫn của người dân nơi đây. Khó khăn đặt ra cho Ban quản lý di tích là hiện vẫn chưa có chế tài xử lý hành chính những kẻ bẻ trộm măng trúc. Vì thế, rất có thể, càng nhiều du khách đến Yên Tử, Trúc Lâm sẽ ngày càng vơi đi.

Lên đến thượng đỉnh Yên Tử, tách khỏi bụi trần và ngắm mây trời bát ngát, nghe tiếng mình nói cười "ở giữa mây xanh" thấy lòng thanh thản lại, nhưng vẫn thấy chạnh buồn.