Đặng Thái Sơn đã thể hiện bản lĩnh bậc thầy của mình qua cách chơi tinh tế đến mức tưởng như ông cộng thêm giá trị tự nghiệm sinh cho âm nhạc của Chopin.
Trước đêm diễn, NSND Đặng Thái Sơn đã nói nhẹ nhàng như nói với chính mình rằng "Chẳng đòi hỏi gì nhiều, hãy cho tôi một không gian tĩnh lặng để chỉ còn hồn nhạc và cảm giao" và phần I của chương trình đã chứng minh điều anh nói hoàn toàn chân thành, chính xác. Âm nhạc của Maurice Ravel không phải để phô trương tài nghệ hoặc làm bùng nổ những cảm xúc mãnh liệt mà là sự chiêm nghiệm về ý nghĩa thực của đời sống con người trong cõi người ta.
Những nhạc phẩm vĩ đại như Những chiếc gương, Những con bướm đêm, Những con chim buồn, Một con thuyền giữa đại dương, Thung lũng chuông... là tự nghiệm sinh, là cái tôi cá nhân đối diện với thế giới bên ngoài để xác định bản chất mối quan hệ giữa nó và cái thế giới ấy. Cái thế giới nội tại của Ravel (âm nhạc trìu tượng) rất khác với thế giới đẹp đẽ, lộng lẫy và say đắm của Chopin thời trẻ (âm nhạc lãng mạn) nhưng Đặng Thái Sơn đã thể hiện bản lĩnh bậc thầy của mình qua cách chơi tinh tế đến mức tưởng như ông cộng thêm giá trị tự nghiệm sinh cho âm nhạc của Chopin.
Về kết cấu các nhạc phẩm Ravel trong chương trình này cũng có điểm khác lạ. Thông thường, giống như nhận thức của con người về cõi nhân sinh, sẽ đi theo chiều thuận từ những nghiệm sinh bậc thấp (Những chiếc gương, Những con bướm đêm) lên cao dần (Những con chim buồn, Một con thuyền giữa đại dương; Thung lũng chuông) và kết lại bởi minh triết mang tính giễu nhại tràn đầy niềm vui sướng của nhận thức (Khúc Serenade của chàng nghệ sĩ hài). Nhưng Đặng Thái Sơn lại đảo vị trí cho Khúc Serenade của chàng nghệ sĩ hài lên trước để kết lại bằng Thung lũng chuông mang âm hưởng buồn bã như ánh hoàng hôn đang dần tắt, như tia sáng cuối cùng đang đi vào tĩnh lặng vĩnh hằng.
Một kết thúc dễ cảm nhưng không dễ hiểu chút nào: Những hợp âm rải kết thúc cứ nhỏ dần, nhỏ dần đến mức mơ hồ khiến cả khán phòng chìm trong sự im lặng đáng sợ, khán giả không biết và không tin đấy là kết thúc.
Những ai đã nghe Jean Yves Thibaudet chơi nhạc Ravel cũng tại Nhà hát lớn này năm 2006 (chùm 3 thi phẩm dành cho piano "Garpard de la nuit") chắc chắn sẽ nhận thấy sự khác biệt thú vị qua cách chơi của Đặng Thái Sơn lần này. Với Jean Yves Thibaudet, chúng ta cảm nhận tài nghệ của ông qua độ khó đòi hỏi kỹ thuật chơi của bậc thầy và ta thấy mình đang cùng ông mạo hiểm thăm dò bản ngã sâu tối của con người. Với Đặng Thái Sơn lần này, hầu như người nghe không để ý tới kỹ thuật chơi piano của bậc thầy danh tiếng mà chỉ còn niềm vui sướng thăng trầm qua hành trình nhận thức ý nghĩa thực, sâu kín của cõi người ta.
Phần nhạc Chopin không chỉ là sở trường của Đặng Thái Sơn mà còn rất quen thuộc với công chúng yêu âm nhạc Hà Nội. Ngay từ những giai điệu đầu tiên, công chúng đã bị mê hoặc và niềm cộng cảm lan khắp khán phòng. Ngay cả những nhạc phẩm quen thuộc đã làm nên danh tiếng của Đặng Thái Sơn này thì đêm nay Đặng Thái Sơn cũng chơi khác trước.
Không còn sự phô trương qua cảm xúc hưng phấn tươi sáng, thế giới hiện lên không lỗng lẫy đắm say như những lần anh chơi Chopin trước đây nữa mà chỉ có niềm vui sướng tự nhiên của một kẻ tự nghiệm sinh đang chân thành đối diện với sự thật giản dị của cuộc đời. Qua tài năng bậc thầy của Đặng Thái Sơn, chúng ta trở nên giàu có hơn bởi anh đã đem đến cho ta một Chopin khác nữa.