Gặp ba nhà thơ nặng lòng với quê chè

09:34, 11/02/2009

  Tôi cho đó là một cơ duyên khi đầu xuân năm mới được tiếp xúc với 3 nhà thơ nổi danh cả nước: Vân Long, Anh Ngọc và Hồng Thanh Quang khi họ vượt gần trăm cây số lên Thái Nguyên với tâm trạng háo hức tự bộc bạch: Để uống chè trên đất chè và gặp con gái Thái duyên dáng lặng thầm.

Sinh năm 1934, nhưng hiếm ai có thể nghĩ nhà thơ Vân Long đã ở tuổi 75 khi ông vung những hồi trống dứt khoát khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại Thái Nguyên. Ông hóm hỉnh khi nói mình chẳng có gì đáng khoe ngoài cái… tuổi. Nhưng nhiều người yêu thơ biết những câu thơ nổi tiếng của ông, ví như câu: Hoa đại đầu thế kỷ/ rụng vào tôi bây giờ….Vân Long kể ngày xưa ông là diễn viên chơi đàn Viôlông của Nhà hát giao hưởng Việt Nam, ấy nhưng ông không mê kéo đàn bằng mê làm thơ. Đi biểu diễn ở các nơi, ông chỉ mong chóng xong tiết mục để lang thang chỗ này, chỗ kia lấy cảm hứng viết thơ. Cũng vì thế mà năm 1960, khi Lò cao số 1 khu Gang thép Thái Nguyên bắt đầu xây dựng, ông cũng tách khỏi dàn nhạc đi xem công trường xây dựng. Chao ôi là vất vả- ông nhớ lại- hàng nghìn người đập đá bằng tay, mồ hôi chảy thành dòng nhưng mắt ai cũng ánh lên niềm phấn khởi. Trên chính công trường lầm bụi ấy, ông đã có những câu thơ về Gang thép:

 

Mìn ta nổ, đá về khu gang thép

Vỡ hoang, đổ móng, xây nền

Dẫm đá dưới chân khu công nghiệp trẻ

Vóc dáng khổng lồ vòi vọi đứng lên

 

Nói về "bí quyết" để có những câu thơ như "Trẻ đến làm đau tuổi lá vàng", ông đúc rút công thức: Cảm xúc thăng hoa + sự chân thành.

 

Nhà thơ Anh Ngọc được bạn đọc cả nước biết đến với bài thơ "Cây xấu hổ", sáng tác từ năm 1972 khi ông ở trong quân ngũ. Ông bảo: Bài thơ đó của ông là một thời trẻ trung, mãnh liệt, đắm đuối nhưng cũng non nớt, dại khờ :  Bờ đường 9 có lắm cây  xấu hổ/ Chiến sĩ đi qua ai cũng mỉm cười/ Giữa một vùng lửa cháy  bom rơi/ Tất cả lộ nguyên hình trần trụi/". "Giữa một vùng lửa cháy bom rơi/ Cây hiện lên như một niềm ấp ủ/ Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ/ Ướp vào trong trang sổ của mình/ Và chuyện này chỉ cây biết với anh". Quan niệm về thơ, ông bộc bạch: Nhiệm vụ của nhà thơ là giãi bày điều không thể nói là điều không thể giấu. Bài thơ cây xấu hổ cũng vậy: Bí mật của chàng lính trẻ là hái một cành xấu hổ ướp vào trang sổ, nhưng cuối cùng vẫn nói điều bí mật đó qua thơ.

 

Sinh năm 1943 tại Nghi Lộc, Nghệ An, Nhà thơ Anh Ngọc nguyên là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, biên tập viên Tạp chí Quân đội, ông là một trong những phóng viên có mặt sớm nhất ở Côn Đảo trong những ngày Côn Đảo giải phóng và cho ra đời tập trường ca "Sóng Côn Đảo". Ông bảo đến Thái Nguyên ông ấn tượng với vẻ đẹp sâu sắc của tâm hồn có nết giống như hương chè lan toả, còn bạn yêu thơ thì nhớ những câu này của ông: "Xin câu thơ hay cũng như người bền bỉ/ Nghe thời gian xao xác gọi về nhau/ Những câu thơ vẫn hành quân không nghỉ/ Lá vàng rơi tóc trắng ở trên đầu".

 

Người tôi muốn nói đến sau cùng là Hồng Thanh Quang, hiện là Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân. Nhưng nổi tiếng hơn chức danh trên của anh là câu thơ " Người đàn bà giấu tóc vào đêm". 24 năm trong quân đội, là tác giả của 7 tập thơ chưa kể viết báo và làm MC cho nhiều chương trình, Hồng Thanh Quang đang giai đoạn sung sức sáng tạo. Theo anh, nghề làm báo, làm văn là một lao động có hứng thú và rất may điều đó luôn có ở trong anh. Hống Thanh Quang thủ thỉ: Tôi về Thái Nguyên như về quê. Bố tôi trước là bộ đội đóng quân tại đây, tôi cũng một thời đóng quân ở đây và làm khổ một số phụ nữ ở đây. Anh nhớ đến bài thơ anh viết ở Phú Bình năm 1979: Cầu mây lắt lẻo dòng thương/ tôi như đi lại đoạn đường thanh xuân. Tặng khán giả Thái Nguyên đầu xuân anh có bài thơ "Vái vợ" với lời "tựa": Đời người đàn ông nào cũng làm khổ ít nhất 2 người đàn bà, một người không lấy được mình và một người làm vợ mình, vì vậy anh viết: Cho ta gửi nhé muôn nghìn vái/ vợ mà như mẹ của nhà thơ.