Giữ gìn giá trị lễ hội

09:33, 05/02/2009

Từ hoạt động lễ hội dễ phát sinh những tiêu cực, tệ nạn: mê tín, dị đoan, rượu chè, cờ bạc... Không ít cấp chính quyền và địa phương coi lễ hội là dịp làm ăn kiếm tiền cho nên tranh giành khách, nâng giá dịch vụ…

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm ở nước ta có khoảng 9.000 lễ hội. Lễ hội diễn ra từ cấp quốc gia, cấp vùng, đến cấp làng, bản. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa cộng đồng, ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Chính vì thế, nâng cao chất lượng tổ chức, quản lý lễ hội đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

 

Các lễ hội dân gian ở nước ta đã tồn tại hàng nghìn năm, gắn liền với đời sống tâm linh của con người. Mỗi lễ hội đều có hai phần: phần lễ và phần hội. Trong khi phần lễ diễn ra trang nghiêm, thể hiện sự tôn kính của con người đối với thần linh, tưởng nhớ công đức của các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá, thì phần hội lại rất sôi động, với nhiều sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng. Mỗi hội làng là dịp để lớp người cao tuổi nhắc lại những phong tục đẹp với thế hệ con cháu, để củng cố tình đoàn kết cộng đồng làng, xã…

 

Qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 27/CT-TƯ ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII), Chỉ thị 14/1998/CT-TTg ngày 28/3/1998 và Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, các địa phương đã tăng cường công tác quản lý lễ hội, đưa lễ hội dần đi vào ổn định. Các lễ hội được đầu tư tổ chức công phu, nghi lễ trang trọng theo truyền thống, nêu bật công đức danh nhân, anh hùng dân tộc, tưởng niệm người có công với dân, với nước, đồng thời khôi phục nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng. Nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số được phục dựng lại. Qui mô của các lễ hội có sự chuyển biến: không chỉ bó gọn trong thôn, làng, mà trở thành các lễ hội vùng, thậm chí cấp quốc gia, thu hút hàng vạn người tham gia.

 

Các địa phương khi tổ chức lễ hội đều thành lập các Ban tổ chức lễ hội, để điều hành, giám sát và tổng kết kinh nghiệm sau lễ hội. Nhìn chung, các lễ hội từ qui mô quốc gia đến phạm vi làng, xã đều diễn ra một cách an toàn trật tự. Do kết hợp các biện pháp xây và chống, phát huy vai trò chủ thể của người dân làm cho lễ hội được xã hội hoá rộng rãi.

 

Tuy nhiên, cũng chính từ hoạt động lễ hội dễ phát sinh những tiêu cực, tệ nạn: mê tín, dị đoan, rượu chè, cờ bạc... Không ít cấp chính quyền và địa phương coi lễ hội là dịp làm ăn kiếm tiền cho nên tranh giành khách, nâng giá dịch vụ. Tình trạng ùn tắc giao thông, mất trật tự ở nhiều lễ hội lớn, gây nên cảnh chen lấn, trộm cắp, tệ nạn ăn xin gia tăng và biến tướng quậy phá, đeo bám khách du lịch. Tình trạng xả rác bừa bãi ngay trong khu vực diễn ra lễ hội vẫn phổ biến... Tất cả những điều đó đã làm tổn hại đến cảnh quan di tích và không khí vui tươi của lễ hội.

 

Để xảy ra tình trạng này, trước hết là do chính quyền một số địa phương thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, dung túng để các tệ nạn hoành hành. Một số địa phương chưa nhận thức đúng mục đích của lễ hội, chưa chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để thực hiện các lễ hội. Năng lực, trình độ người tổ chức không theo kịp những nảy sinh và nhu cầu ngày càng cao của người  tham gia lễ hội, hoặc quá coi trọng lợi ích kinh tế làm bản sắc văn hoá của các lễ hội bị phai nhạt, di tích và môi trường cảnh quan ở một số lễ hội bị xâm hại... gây bức xúc trong dư luận.

 

Một vấn đề mới nảy sinh đòi hỏi các nhà quản lý lễ hội cần quan tâm: việc cung tiến công đức tu bổ di tích và tổ chức lễ hội ngày càng tăng, đã xảy ra hiện tượng tùy tiện tu sửa, tôn tạo không xin phép cơ quan quản lý, phá vỡ nguyên gốc di tích và cảnh quan. Bên cạnh đó, do các cơ quan quản lý chưa có biện pháp quản lý phù hợp hoặc mức thu lệ phí quá cao dẫn đến tình trạng tận thu và tổ chức dịch vụ lộn xộn ở một số lễ hội, Nhà nước chưa quản lý được nguồn thu từ lễ hội…

 

Lễ hội văn hoá truyền thống có vai trò rất quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế ở nước ta. Hoạt động văn hoá này tạo sự cân bằng trong đời sống tinh thần của cộng đồng trước xã hội hiện đại, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, lành mạnh... Chính vì thế, đổi mới cách tổ chức và quản lý lễ hội, là nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới là vấn đề ngày càng trở nên bức thiết và quan trọng.