Hương chè xuyên suốt những miền thời gian

10:43, 05/02/2009

Thái Nguyên có diện tích chè lớn thứ nhì trong cả nước, chỉ đứng sau Lâm Đồng, nhưng để có nghề làm chè nổi tiếng cho đến tận bây giờ chỉ có duy nhất vùng đất Tân Cương.

 Cây chè đã có mặt ở đất Tân Cương vài trăm năm, nhưng để trở thành đặc sản thì mới được khoảng 100 năm nay, khi ông Đội Năm tới vùng này khai phá mở đồn điền trồng chè, chế biến thành những gói chè Bạch Hạc. Chè Bạch Hạc theo người Pháp, người Tàu đi muôn ngả tạo nên thương  hiệu cho vùng đất Tân Cương.

 

Tôi không sinh ra trên vùng đất nổi tiếng về chè nhưng hai bên nội ngoại đã từ vùng đồng trắng nước trong Nam Định lên đây lập nghiệp. Tuổi thơ của tôi không gắn bó với cây chè, nhưng trong những câu chuyện kể luôn có hương chè Tân Cương nồng đượm. Thế nên tôi mới hiểu chè là một nghệ thuật lớn. Từ đất trồng, địa hình, khí núi, nắng mưa sương gió ươm bật thành lọc non lá nõn cho đến khi thu hái, sao chế để có một ấm chè ngon ngồi pha thưởng thức là cả một hành trình dài dằng dặc với lắm nỗi nhọc nhằn.

 

Người Tân Cương sành chè nên nhận xét về chè bao giờ cũng tinh tế và chính xác. Và cũng chỉ có người Tân Cương mới phân biệt trên một đồi chè nhưng chè hướng đông bao giờ cũng ngon hơn chè hướng tây, bởi cây chè hướng đông đón nhận những tia nắng  mặt trời buổi sớm nên phản ứng sinh trưởng khác với cây chè hướng tây. Cũng trên một vườn chè nhưng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông là bốn mùa hương vị. Ngon nhất là chè  Xuân. Khi cái giá rét của mùa đông vừa qua đi, những tia nắng đầu tiên của mùa xuân vừa ló rạng thì những đọt non cũng bừng lên trên những thân chè khẳng khiu. Thứ đọt non ấy hái lúc sớm khi cả đồi chè còn chìm trong sương rồi đem sao suốt trên chảo gang sẽ được những mẻ chè hương thơm ngào ngạt, ngọt vấn vít nơi đầu lưỡi.

 

Ngày trước người Tân Cương sao chè bằng chảo gang, để có một mẻ chè tù lúc hái trên đồi, rồi sao rồi vò cho đến khi búp chè xoăn lại như lưỡi con chim sẻ là những công đoạn nhọc nhằn. Khi chế biến chè người nông dân trở thành nghệ nhân với cả một nghệ thuật sao sấy. Người Tân Cương cha truyền con nối bí quyết cảm nhận độ nóng qua bàn tay chứ không phải qua bất kỳ sự kiểm nghiệm nào của máy móc. Bàn tay người nông dân sần sùi thô nhám nhưng cực kỳ nhạy cảm, bàn tay mách bảo người làm chè khi nào tăng nhiệt, khi nào hạ nhiệt để  những mẻ chè không quá non mà cũng chẳng quá già lửa, hương không ngái mà cũng chẳng quá nồng, cứ ngào ngạt níu chân lữ khách.

 

Có lẽ chất đất Tân Cương và cây chè đã trở thành duyên nợ nên đã tạo cho đời hương vị nồng đượm của một vùng quê nửa đồng nửa núi. Để người trong nước nằm lòng câu chè Thái gái Tuyên, chè Thái là danh chung nhưng ai cũng ngầm hiểu đấy là sản phẩm chè của vùng đất Tân Cương. Cũng bởi thế nên khi giá chè trong tỉnh trung bình 50 đến 60 nghìn đồng/kg thì chè Tân Cương luôn cao gấp đôi, gấp ba. Đặc biệt sản phẩm chè của miền Hồng Thái vào dịp Tết thường được bán với giá gần 300.000 đồng/kg mà vẫn đông khách. Ở vùng quê này đã có nhiều doanh nghiệp tự tìm đến đặt nhà máy sản xuất đưa chè Tân Cương vượt ra khỏi dải đất hình chữ S, đến với bè bạn năm châu. Người Tân Cương nhờ thế mà thoát nghèo từ chè, giàu lên cũng từ chè, nổi tiếng cũng từ chè.

 

Thơm, bùi, chát, ngọt, nước xanh trong, sự kết hợp ấy đã tạo nên nét hấp dẫn riêng biệt của chè Tân Cương. Uống trà cũng là một thú chơi thanh đạm, nhất là những ngày Xuân, khi công việc bộn bề tạm gác lại, tri kỷ gặp nhau cùng trải nghiệm sự đời. Pha cho mình một ấm chè mời khách, người ta để vào đó nhiều công phu. Trong ấm chè ngon phảng phất vị triết lý cuộc đời. Để có ấm trà Tân Cương chuẩn đãi khách bình trà và tách uống phải được làm nóng bằng nước sôi. Đổ nước lần đầu gọi là “Cao sơn trường thủy” rồi bỏ đi ngay, đây là thao tác tráng chè nhằm loại bỏ hết bụi bẩn. Lần đổ nước thứ hai  gọi là “Hạ sơn nhập thủy” đổ nước cao tràn miệng bình để khi đậy nắp bụi chè tràn ra hết, rồi dội nước sôi lên nắp để giữ nhiệt độ cao nhất cho chè. Nước thứ hai chính là nước ngon nhất tạo ra trong vòng một đến hai phút, có hương vị đậm đà quyến rũ. Bên ấm chè ngon, câu chuyện nhẹ nhàng như hơi thở của đất trời.

 

Ngày xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, chè cũng đâm chồi nảy lộc, một mùa làm ăn đối với người trồng chè cũng bắt đầu.  Để tôn vinh làng nghề, tôn vinh chè và người làm chè, từ mấy năm nay Tân Cương đều mở hội chè xuân. Hội chè xuân lần đầu tiên được tổ chức vào mùng bốn Tết Bính Tuất. Người đến dự hội vừa là khách vừa là chủ để tham gia các cuộc thi. Những cây chè đang độ xuân mơn mởn được rước từ các xóm ra hội cho du khách chiêm nghưỡng, vào hội những người nông dân bỗng chốc biến thành nghệ nhân khéo léo chế biến chè phục vụ du khách, để hương chè xuyên suốt những miền thời gian.