Bức tượng mạ vàng nhỏ xíu được cả thế giới biết đến với tên gọi Oscar đã trở thành biểu tượng của Hollywood hơn 80 năm qua, nhưng khởi nguồn của cái tên đó không phải ai cũng biết.
Ban đầu, Viện hàn lâm gồm 36 thành viên, với diễn viên Douglas Fairbanks là chủ tịch đầu tiên. Họ quyết định tạo một bức chiến quả bằng vàng để tôn vinh các nam, nữ diễn viên và đạo diễn có đóng góp ấn tượng nhất hàng năm.
Người thiết kế ra bức tượng vàng Oscar chính là đạo diễn nghệ thuật của hãng Metro-Goldwyn-Mayer, Cedric Gibbons. Bức tượng cao vẻn vẹn 34 cm, nặng 3,85 kg có hình dáng của một chàng hiệp sĩ được điêu khắc theo phong cách Art Deco. Chàng hiệp sĩ này cầm gươm và đứng trên một cuộn phim có năm cánh tượng trưng cho các nhánh gốc của Viện Hàn lâm bao gồm diễn viên, biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất và kỹ thuật viên.
Chất liệu đầu tiên để làm ra bức tượng là đồng. Nhưng trong suốt thời kỳ Chiến tranh thế giới 2, do khan hiếm kim loại nên bức tượng được làm bằng thạch cao. Sau đó, chủ nhân của những chàng Oscar thạch cao được đổi lại bức tượng khác làm bằng thiếc và đồng mạ vàng.
Hơn ba phần tư thế kỷ đã trôi qua, “chàng hiệp sĩ” giờ đây đã trở thành “ông già 81 tuổi”, nhưng nguồn gốc của cái tên Oscar cho đến bây giờ vẫn còn chưa được rõ ràng.
Người được coi là khai sinh ra tên Oscar là thủ thư Margaret Herrick, sau này trở thành Giám đốc điều hành Viện hàn lâm. Lần đầu tiên nhìn thấy bức tượng, cô nói rằng nó giống như ông bác Oscar của cô. Nhà báo Sidney Skolsky cũng có mặt ở đó đã lập tức chộp lấy cái tên này để làm nhan đề cho bài báo của ông: "Một nhân viên đã yêu mến đặt tên cho bức tượng nổi tiếng là Oscar".
Tuy nhiên, diễn viên tài danh từng đoạt giải của Viện hàn lâm Bette Davis lại khẳng định cô mới chính là người nghĩ ra cái tên đó. Trong cuốn hồi ký của mình, cô nói đã gọi nó theo tên của người chồng là chỉ huy dàn nhạc, ông Harmon Oscar Nelson. Cô kể, cứ mỗi lần nhìn thấy bức tượng chàng hiệp sĩ nude này, cô lại liên tưởng đến… vòng ba của đức lang quân đầu tiên.
Giờ đây, Oscar đã trở thành giải thưởng danh giá và uy tín bậc nhất thế giới và được sở hữu bức tượng Oscar là niềm mơ ước của bất cứ diễn viên nào. Tính đến nay, khoảng 2.500 bức tượng Oscar đã được trao cho những người xuất sắc qua các năm. Càng về sau, lễ trao giải càng được tổ chức quy mô hơn nhưng cũng phù phiếm hơn. Đây là một trong những buổi lễ hoành tráng nhất thế giới khi các ngôi sao xuất hiện trên thảm đỏ trong những bộ trang phục lộng lẫy của các nhà tạo mẫu danh tiếng.
Lần trao giải lần thứ 81 này cũng không phải là ngoại lệ. Buổi lễ sẽ diễn ra vào chủ nhật tuần này (22/2) tại Nhà hát Kodak, Los Angeles, quy tụ hơn 3.300 ngôi sao hàng đầu thế giới cùng với những ông chủ quyền lực nhất của Hollywood. Lễ trao giải sẽ diễn ra suốt 3 tiếng đồng hồ với khoảng 50 bức tượng được trao tặng cho những người có thành tích xuất chúng trong lĩnh vực điện ảnh năm 2008.
Có thể nói đây là một sự tương phản lớn khi so sánh với lần trao giải đầu tiên được tổ chức vào ngày 16/5/1929 tại khách sạn Roosevelt ở Hollywood. Đó chỉ là một bữa tiệc tối với sự tham dự của khoảng 270 khách mời và ông Chủ tịch Viện Hàn lâm, Fairbanks, đứng ra trao 15 bức tượng vàng trong vòng 15 phút.
Trong hành trình 81 năm của mình, lễ trao giải Oscar chỉ bị trì hoãn đôi lần. Đó là vào năm 1938 do trận lụt lịch sử ở Los Angeles; năm 1968 sau khi nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King bị ám sát và vào năm 1981, sau vụ ám sát hụt vị tổng thống từng là diễn viên Ronald Regan. Lẽ ra, lễ trao giải Oscar năm 2003 cũng đã bị lùi ngày bởi đó chính là thời điểm Mỹ gây chiến ở Iraq. Tuy nhiên, sau 4 ngày Mỹ khai chiến, Viện Hàn Lâm điện ảnh Mỹ vẫn quyết định tổ chức trao giải theo đúng lịch trình. Nhưng đó là một trong những buổi lễ trao giải ảm đạm và buồn tẻ nhất trong lịch sử.
Khởi đầu, lễ giải Oscar chỉ được đưa tin trên đài phát thanh. Lần đầu tiên giải thưởng này được đưa lên truyền hình là vào năm 1953, lúc đó vẫn là truyền hình đen trắng. Đến năm 1966, khán giả TV mới được chiêm ngưỡng màu sắc lộng lẫy trên xiêm áo các minh tinh.
Trước khi có truyền hình trực tiếp như bây giờ, sự kiện này không khiến người xem hồi hộp bởi lẽ họ đã biết kết quả, được công bố rộng rãi trên báo chí từ trước đó.
Đến nay, sự kiện này đã được truyền hình trực tiếp đến hơn một tỷ người ở trên 150 nước trên thế giới. Dù vậy, vé tham dự lễ trao giải chưa bao giờ "ế". Người nhận vé mời luôn cảm thấy hãnh diện khi có cơ hội được góp mặt trong sự kiện trọng đại này.