Vì có thành viên sinh con thứ 3, vì có người mắc tệ nạn xã hội, vì có cán bộ vi phạm kỷ luật... đã khiến hàng chục xóm, làng, cơ quan của huyện Phú Bình, Thái Nguyên năm 2008 mất danh hiệu làng, cơ quan văn hoá, khu dân cư tiên tiến. Điều này cho thấy, việc chấp hành các quy định tập thể của không ít cán bộ, người dân nơi đây chưa thật sự nghiêm túc, làm ảnh hưởng không tốt đến các phong trào chung.
Làng Chiềng, xã Lương Phú nhiều năm qua vẫn được cán bộ và người dân huyện Phú Bình nhắc đến là một điển hình trong việc thực hiện các tiêu chí để xây dựng làng văn hoá. Đến nơi đây, mọi người đều mong muốn, xóm, phố mình cũng được khang trang, bình yên như thế. Có lẽ, ở Phú Bình, không mấy nơi, con em xa quê lại tự nguyện đóng góp được tới 60 triệu đồng để làm cổng làng và hành lang giao thông như ở đây... Làng Chiềng được công nhận là làng văn hoá cấp tỉnh từ năm 1997. Vậy nhưng, chỉ vì có 1 gia đình sinh con thứ 3 đã khiến năm 2007, làng mất đi danh hiệu làng văn hoá lâu năm. Điều này khiến không ít người dân trong, ngoài làng cảm thấy tiếc nuối. Năm 2008, danh hiệu làng văn hoá đã được lấy lại, nhưng để được công nhận làng văn hoá lâu năm thì Làng Chiềng cần thêm ít nhất 2 năm nữa. Đáng buồn hơn, người làm mất danh hiệu của làng lại là cộng tác viên dân số, có chồng là chi hội trưởng chi hội nông dân- thành viên ban vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, đã có 2 con trai.
Ngoài làng Chiềng, ở xã Lương Phú còn có xóm Lương Thái được công nhận làng văn hoá cấp tỉnh từ năm 2005. Cũng vì có 1 gia đình sinh con thứ 3 nên năm 2008, xóm mất danh hiệu làng văn hoá. Ngoài ra, còn có xóm Phú Lương 3 năm liền đạt làng văn hoá cấp huyện nhưng do có người vi phạm pháp luật nên danh hiệu văn hoá cũng bị “tuột”...
Không chỉ ở xã Lương Phú, số làng văn hoá lâu năm giảm là tình trạng chung của huyện Phú Bình trong năm qua. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" của huyện Phú Bình thì năm 2008, mặc dù có tới 311/315 xóm đăng ký xây dựng làng văn hoá- khu dân cư tiên tiến nhưng chỉ có 111 xóm đạt, giảm 11 khu dân cư tiên tiến so với năm 2007. Ngoài làng văn hoá- khu dân cư tiên tiến, số cơ quan văn hoá của huyện năm qua cũng giảm sút kỷ lục. Với 143/146 cơ quan đăng ký xây dựng cơ quan văn hoá nhưng chỉ có 38% trong số đó đạt, giảm 38 cơ quan so với năm 2007.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình thì 3 năm trở lại đây, số làng, cơ quan đạt danh hiệu làng, cơ quan văn hoá lâu năm có xu thế giảm, và năm 2008 là năm giảm mạnh nhất. Lý giải về điều này, đồng chí Tuấn cho rằng: Việc bình xét danh hiệu văn hoá của các thôn, xóm, cơ quan ngày càng đi vào thực chất hơn; các cơ sở, cơ quan, đơn vị, trường học đều đã chú ý đến việc nâng cao chất lượng phong trào, không chạy theo thành tích ảo; việc khảo sát thực tế, kiểm tra đánh giá thực chất, chất lượng của Phong trào được tiến hành thường xuyên và khá nền nếp... Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc thì những xóm, làng, cơ quan để mất danh hiệu văn hoá đều có những nguyên nhân cụ thể. Năm qua, Phú Bình có đến 225 trường hợp sinh con thứ 3; hàng chục xóm, phố có người vi phạm pháp luật; nhiều cơ quan, đơn vị có cán bộ vi phạm kỷ luật. Đơn cử như ở Chi nhánh Vật tư Nông nghiệp huyện Phú Bình, nguyên nhân do có cán bộ vi phạm nguyên tắc về tài chính; ở xã Hà Châu có cán bộ bị khiển trách; xã Điềm Thuỵ do nội bộ mất đoàn kết, công tác tuyên truyền kém dẫn đến việc một số người dân khiếu kiện vượt cấp...
Sống trong một tập thể đạt danh hiệu văn hoá, mỗi cá nhân sẽ tự hào hơn, ý thức hơn để xây dựng tập thể đó ngày càng lớn mạnh. Mong rằng, mỗi cá nhân sẽ luôn ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng mình đang sống. Hãy sống vì mọi người, trước khi nghĩ đến việc mọi người sẽ vì mình.