Theo nhà sử học Nguyễn Đắc Xuân, trường ca Tiếng hát dã tràng hay Dã tràng ca là bài hát thơ về thân phận dã tràng, thể hiện sự đau khổ và tìm chốn nương náu ở tình yêu của một Trịnh Công Sơn mới ngoài 20 tuổi.
- Nhà sử học Nguyễn Đắc Xuân: Cho đến lúc Trịnh Công Sơn qua đời, tôi chỉ biết là ông có sáng tác trường ca này chứ chưa nghe hát, chưa thấy trường ca lần nào. Sau khi anh Sơn mất, họa sĩ Đinh Cường, một người bạn rất thân của Trịnh đang ở Hoa Kỳ, cho biết thời học ở Sư phạm Quy Nhơn, Sơn có sáng tác trường ca Tiếng hát dã tràng, đã được dựng biểu diễn rất thành công trong buổi lễ ra trường. Sơn đã chép tặng Đinh Cường, nhưng Đinh Cường đã làm thất lạc. Đây là trường ca ghi nhiều dấu ấn ảnh hưởng đến cả cuộc đời sáng tác của anh sau này. Điều này càng làm tôi hết sức băn khoăn. Vì sao một tác phẩm quan trọng đến thế mà Sơn không hề muốn nhắc đến, trong di cảo của anh cũng không lưu lại? Phải chăng đây là một bí ẩn? Sự khó hiểu này càng thôi thúc tôi quyết tâm tìm cho được trường ca Tiếng hát dã tràng.
- Và ông đã may mắn khi tìm thấy nó?
- Tôi đã tìm gặp bạn học của Sơn đang ở Quy Nhơn và ở Huế nhưng không ai còn lưu. Bất ngờ và thú vị là tôi gặp lại anh Nguyễn Hồ, cùng học một khóa với Sơn hồi đó, trong một tiệc cưới. Nghe tôi kể lại ý định của mình, Hồ nói ngay: “Hồi tập hát trường ca đó ở Quy Nhơn, các bạn đã ghi cho mình một bản. Hiện bà xã mình còn giữ ở nhà”. Hóa ra trường ca Tiếng hát dã tràng, tác phẩm quý nằm ngay cố đô, quê hương của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà mình cứ chạy tìm ở nơi khác.
- Có ý kiến cho rằng "Tiếng hát dã tràng" ra đời trong hoàn cảnh gia đình tác giả bị suy sụp về kinh tế, còn bản thân tác giả suy sụp về tinh thần nên bản trường ca được coi là bài hát thơ về thân phận dã tràng, thể hiện sự đau khổ và tìm chốn nương náu ở tình yêu của một chàng trai mới ngoài 20 tuổi?
- Đúng thế, Trịnh Công Sơn sinh ra trong một gia đình khá giả. Không may cụ thân sinh mất sớm, mẹ anh không đủ sức chống đỡ sự suy sụp về tình cảm lẫn kinh tế của gia đình. Đến đầu những năm 60 của thế kỷ trước, gia đình anh rơi vào tình cảnh bi đát. Chuyện học hành của các em Sơn bị bế tắc. Mẹ anh phải bán căn nhà lớn ở đường Phan Bội Châu (nay là Phan Đăng Lưu) để thuê một căn gác nhỏ ở đường Nguyễn Trường Tộ, gần nhà thờ Phú Cam (Huế) để ở. Lúc này Sơn đã bắt đầu yêu. Trước hoàn cảnh gia đình sa sút như vậy, tình yêu của anh đối với những cô gái khuê các ở Huế chỉ rơi vào nỗi tuyệt vọng, đau đớn. Anh rời Huế vào Quy Nhơn học sư phạm cũng là giải pháp để trốn lính, đồng thời kiếm sống.
Để tìm nguồn vui, lối thoát cho tinh thần, Trịnh Công Sơn đọc Albert Camus, một triết gia hiện sinh vừa được giải Nobel. Anh rất mê tập Le Mythe Sisyphe, cuốn khảo luận nói về sự phi lý của cuộc đời. Tất cả mọi nỗ lực do con người xây dựng lên rồi chẳng đi đến đâu, giống như anh chàng Sisyphe bị khổ sai hằng ngày phải đẩy một tảng đá lên núi cao và thẳng tay cho tảng đá lăn xuống vực sâu, rồi sau đó lại cố sức đẩy lên, rồi lại thả xuống. Tất cả sự nỗ lực ấy không có nghĩa gì hết, giống như dã tràng xe cát vậy. Hoàn cảnh gia đình anh cũng thế. Cụ thân sinh anh nỗ lực xây dựng nên một gia đình khá giả, rồi bị tai nạn, kéo theo sự sụp đổ của cả gia đình, cũng là điều phi lý. Từng lời, từng đoạn của trường ca đều biểu lộ rõ tâm trạng của Sơn lúc đó.
- Tâm trạng Trịnh Công Sơn, theo cảm nhận của ông qua "Tiếng hát dã tràng", hiện lên như thế nào?
- Tác giả cũng là một con dã tràng bị lưu đày trong nỗi cô đơn. Sơn nhận thức hiện tượng dã tràng là một thực thể, một quy luật khắt khe. Thân phận con người cũng thế. Sơn vỗ về dã tràng như vỗ về thân phận làm người của chính mình. Sơn cho rằng cuộc đời rồi sẽ không còn gì như công dã tràng. Những gì con người làm ra rồi cũng là công dã tràng. Sơn muốn nói lên sự xót xa cho thân phận mình trong những đêm không ngủ nằm nghe sóng vỗ.
Và Sơn không chịu khuất phục số phận, anh gượng dậy, nên ở đoản khúc 6, nốt nhạc trở nên mạnh mẽ khác thường. Sau khi biết dìu mình đi vào bão tố, để có thể đứng trước bão tố, Sơn đã tìm thấy chỉ có một chỗ nương náu, chính là tình yêu. Cái bi kịch của con người là biết mất mát, biết khổ đau nhưng không dám nói ra mà trái lại, giấu tất cả những nỗi mất mát đó trong môi cười. Mỗi lần bị thân phận kéo xuống, Sơn lại gượng đứng dậy. Dù bốn mùa là triền miên vô vọng, nhưng anh không mất niềm tin, vẫn chờ đợi một điều kỳ diệu.
- Tuy vậy, có người cho rằng trường ca thể hiện sự bi quan, chán chường trước cuộc sống của một tâm hồn yếu đuối. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Đúng là Sơn sáng tác trường ca này trong giai đoạn bị sa sút nhất về tinh thần và vật chất, nhưng không phải vì thế mà kết luận rằng Sơn bi quan, chán nản trước cuộc đời, vì theo tiết tấu âm nhạc, có rất nhiều đoạn thể hiện sự gượng dậy, sự vươn dậy mạnh mẽ trước sự xô đẩy của cuộc đời, của số phận. Phải đặt trường hợp của mình vào hoàn cảnh của Sơn lúc bấy giờ mới hiểu hết giá trị quý giá của bản trường ca này.
Do ảnh hưởng của triết lý Phật giáo mà anh đã hấp thụ từ nhỏ, do đọc nhiều sách báo, do âm nhạc nước ngoài xâm nhập vào miền Nam Việt Nam lúc ấy nên tư tưởng của Trịnh Công Sơn trong trường ca này nhuốm màu triết lý về thân phận làm người: Kiếp người là vô nghĩa, thân người là khổ đau. Chỉ có tình yêu mới làm vơi bớt khổ đau. Tôi nghĩ rằng trường ca Tiếng hát dã tràng đã dự báo một thiên tài âm nhạc họ Trịnh, thiên tài bẩm sinh. Trường ca làm ngây ngất lòng người này được sáng tác khi Sơn không hề học qua một trường lớp nào về âm nhạc. Tôi chỉ tiếc là phát hiện trường ca này quá muộn nên không được nâng niu tác phẩm này sớm hơn.