Chè Thái Nguyên ở Lâm Đồng

09:27, 04/03/2009

Cao nguyên Lang-Bian (Lâm Đồng) cao hơn mực nước biển tới 1.500m, áp suất không khí loãng nên sự quang hợp ánh sáng của cây chè cũng khác xa so với Thái Nguyên! Bởi thế Chè Tân Cương trồng ở Lang - Bian tuy không được thơm lựng nhưng còn giữ được cái ngọt giọng rất có hậu!

 

Biết tin tôi sẽ vào Đà Lạt, bạn tôi – họa sĩ kiêm nhà thơ Vi Quốc Hiệp, một người con của Thái Nguyên đã chuyển vào Đà Lạt sinh sống và công tác từ hơn 20 năm nay, hồ hởi gọi điện ra: “Ông cố gắng vào nhé! Dịp này thành phố tổ chức rất nhiều lễ hội quảng bá cho ngành Du lịch, có đủ các loại lễ và hội từ cổ truyền đến hiện đại thời hội nhập. À mà ông cố “khuân” vào cho tôi một vài cân chè Tân Cương, dăm ba cân miến Việt Cường để gia đình tôi “xài Tết” gì mà tốn trà - miến nhiều dữ vậy?” - tôi hỏi lại. Hiệp cười khà khà: “Tôi tính biếu hai gia đình thông gia chút đỉnh gọi là… Với lại mình cũng phải tranh thủ quảng bá cho thương hiệu chè và miến đặc sản cho quê hương mình chứ bộ!”. Chiều lòng bạn, tôi đã khệ nệ “cõng 5 cân chè và 6 cân miến dong vào Thành phố Ngàn Hoa”.

 

Đây là lần thứ ba tôi đến Đà Lạt. Mười năm trước, cũng mùa Giáng sinh tôi được mời dự Trại viết tiểu thuyết do Cục Văn hóa - Văn nghệ Tổng cục Chính trị QĐNDVN tổ chức tại đây. Trước đó nữa, gần cuối mùa Thu năm 1975, sau khi được điều trị lành hẳn các vết thương, trong thời gian ở trại an dưỡng chờ giải quyết chính sách, dọc hành trình chuyến đi tìm lại các đồng đội cũ tôi đã đến và dừng nghỉ ở Đà Lạt vẫn đang khép nép giấu mình trong sự hoang tàn đổ nát của chiến tranh… nhưng Thông và Hoa của Đà Lạt thì chưa bao giờ biết nép giấu mình! Cái đẹp, cái thanh cao thì không bao giờ phải nép giấu mình! Chuyến đi ấy tôi gặp lại được anh Hợi – một đồng đội cũ với tôi từ thời binh nhất binh nhì ở Đoàn Đặc công 305. Vào chiến trường B3, sau thời gian ở bộ đội chủ lực, anh Hợi được điều động tăng cường về phân đội Trinh sát - Đặc công tỉnh đội Lâm Đồng. Trong một lần, trên đường đi công tác về tổ trinh sát của anh bị trúng một loạt pháo bắn vu vơ của giặc. Hai đồng chí hy sinh. Anh Hợi bị đạn áo tiện dứt một dóng chân… Giữa rừng sâu hoang vắng, xa đường giao liên, bò lết đến kiệt sức, anh chỉ còn biết nằm chờ chết… May sao có cô gái người dân tộc K’Ho đi làm nương về qua gần đó nghe tiếng rên khe khẽ từ trong bụi cỏ lau. Sau hơn một tháng, anh tạm lành vết thương, cô gái lại dìu anh tìm về đơn vị. Cô gái trở thành chiến sĩ nuôi quân của Trạm Thu dung, tiếp nhận và chăm sóc các anh em thương bệnh binh của tỉnh đội Lâm Đồng. Sau giải phóng, theo phong tục của người K’Ho, cô gái ấy “bắt” anh Hợi về làm chồng. Anh Hợi cũng ưng cái bụng!...

 

Anh Hợi quê ở Hom Giỏ một xóm nhỏ nằm giữa ngã ba phân giới của ba huyện Phổ Yên - Đại Từ - Đồng Hỷ (cũ), cũng coi như liền kề với đất chè Tân Cương. Trong bữa cơm chia tay tôi hồi mùa thu 1975 ấy, ánh mắt anh đã long lanh khẳng khái: “Rồi cậu xem, nhất định tớ sẽ mang được hương vị chè Thái quê mình vào gieo trồng phát triển ở đất Di Linh này!”. Anh Hợi tinh sẽ về Tân Cương, Tân Thái, Phúc Trìu… thu gom hạt chè mang vào trồng trên quê hương mới. Tôi cũng hy vọng anh Hợi sẽ mang được hương vị Chè Thái vào gieo trồng và phát triển không chỉ ở Lâm Đồng mà con nhân rộng ra khắp Tây Nguyên!

 

Hồi chiến tranh, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Đặc công 48 chúng tôi, dọc đường vào chiến trường đã bị xé lẻ ra bổ sung cho các đơn vị chiến đấu suốt từ Quảng Trị, Tây Nguyên cho đến tận miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Tôi là lính chiến đồng bằng, lúc thì đánh giặc ở miền Đông, khi lại luồn xuống thọc sâu đánh vào sào huyệt giặc ở tận miền Tây Nam bộ. Những kỳ giữa tháng, trăng sáng trời trong, lính đặc công được nghỉ đánh, rút về hậu cứ dưỡng quân. Trước mỗi lần rút về hậu cứ đơn vị thường chọn ra chừng một nửa quân số gồm những cán bộ, chiến sĩ có sức khỏe, nhanh nhẹn và có kinh nghiệm chiến trường đột nhập vào “ấp chiến lược” để gùi cõng gạo và mua sắm các mặt hàng nhu yếu phẩm. Đại đội tôi, suốt mấy năm liền quân số chỉ thường ở mức trên dưới ba mươi tay súng, thời gian về “tuyến sau” cũng chỉ khoảng mươi ngày nhưng lần nào về hậu cứ cũng phải gùi theo đầy căng một ba lô những gói chè đóng trong túi giấy bọc cứng lại còn được bọc lớp giấy nilon trong suốt bên ngoài, nhãn tên in màu nhũ vàng sang trọng: “Chè Thái Nguyên - hảo hạng”. Bên cạnh dòng chữ nhũ vàng ấy là hình một chú nai quì cùng dòng chữ mảnh nhỏ hơn: "Bổn hiệu Con Nai quì". Gần đáy nhãn còn in dòng chữ nhỏ li ti: "Được chế biến theo phuơng thức sao tẩm lâu đời của người chuyên làm chè xứ Thái Nguyên". Lính trận, đánh nhau liên miên thì khoảng thời gian về hậu cứ dưỡng quân ấy hỏi còn gì hấp dẫn hơn là quây quần quanh "bàn trà" được pha trong hăng-gô Mỹ và rót uống bằng bát sắt men "B52" có dung tích 1/2 lít nước. Đó là một lẽ tốn trà. Nhưng cốt lõi của việc chúng tôi mua nhiều chè đến thế là bởi vì "dân" Thái Nguyên chiếm tới trên dưới 1/4 quân số toàn đơn vị. Vả lại, dẫu sao thì lúc đó thương hiệu "Chè Thái Nguyên -Hảo hạng" "bổn hiệu Con nai quì" ấy vốn vẫn được giới sành điệu, trưởng giả ở khắp các đô thị miền Nam mặc nhiên coi là thứ chè uống thơm ngon nhất!

 

Trở lại với chuyện của chuyến đi Đà Lạt cuối năm 2008 vừa rồi. Ngay sau buổi khai mạc Trại Sáng tác, chiều, 11 trại viên của 6 tỉnh phía Bắc chúng tôi kéo nhau ra Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố, liền kề sân vận động của đội bóng đá Phố Núi Lâm Đồng, bên bờ hồ Xuân Hương để xem Hội chợ Văn hóa - Du lịch. Đến khu "Văn hóa ẩm thực", vào góc "Đặc sản địa phương", bất ngờ sao, tôi đã gặp lại anh Hợi. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, hoan hỷ. Vừa ngồi trực tiếp sao chè cho khách tham quan "mục sở thị" anh Hợi vừa thủ thỉ:

 

- Gia đình tớ chuyển về thị trấn Đơn Dương từ năm 1980. Hồi cậu ghé chơi đó, cả hai vợ chồng đã ra quân rồi, nhưng qua năm 77, 78 nạn Fun-rô nổi lên, trên lại vận động tụi mình ra làm lại. Mình làm bên Thương binh - xã hội, vợ làm bên Phụ nữ, đến 2002, hai đứa cùng nghỉ hưu.

- Con cái thế nào?

- Có bốn đứa! Hai thằng con trai đầu, vợ muốn có con gái, cố thêm đứa nữa: Vẫn con trai! Vợ buồn lắm, cứ khóc hoài. Đến năm 90 lại cố thì được con gái. Ba thằng trai lấy vợ cả rồi! Đều đi ở nhà vợ! Đứa gái đang học trường Văn hóa Nghệ thuật Đà Lạt. Nó muốn bắt chồng rồi! Mình bảo phải học xong đã!

- Phương án Chè Thái - Lang - Bian của anh đây hả? Có thơm ngon "nức tiếng gần xa" không?

Nét mặt anh Hợi hơi chùng xuống:

- Đây là giống chè Tân Cương F2 rồi! Nhưng ngay cả lứa F1 mình trồng ở Di Linh cũng chỉ được bằng hơn nửa hương vị của chè Thái mình thôi! Tại thổ nhưỡng và khí hậu, cậu ạ. Cũng là đất ba-dan đấy nhưng nồng độ khoáng chất ở các vùng miền không thể giống nhau. Vả lại, cao nguyên Lang-Bian cao hơn mực nước biển tới 1.500m, áp suất không khí loãng nên sự quang hợp ánh sáng của cây chè cũng khác xa so với Thái Nguyên mình! Nhưng nào, cậu pha uống thử đi! Chè Tân Cương trồng ở Lang - Bian tuy không được thơm lựng nhưng còn giữ được cái ngọt giọng rất có hậu! Ở Đà Lạt này, riêng chè của mình luôn bán được gần gấp rưỡi giá chè bản địa đấy! Về chất lượng thì rõ ràng đã hơn hẳn rồi, nhưng quan trọng hơn nữa là bởi vì khắp quanh vùng, ai cũng biết thằng Hợi này là dân Thái Nguyên thứ thiệt!

 

Tôi nhấp một ngụm chè Thái - Lang Bian của anh Hợi mà thấy lòng mình thơm mát lâng lâng