Tục lệ hôn - lễ hay còn gọi là cưới-hỏi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống của người Việt, trải qua thời gian nhưng ý nghĩa của phong tục này vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, về hình thức tổ chức cưới - hỏi giữa xưa và nay cũng có một số điểm khác.
Ngày xưa người ta thường làm lễ cưới vào buổi chiều tối, bởi người xưa quan niệm buổi chiều tối là lúc dương qua âm lại, âm dương giao hòa cho nên dùng giờ này để làm hôn-lễ, tức là thuận theo lẽ tuần hoàn của trời đất. Hôn - lễ được ngày xưa được tổ chức rất cầu kỳ.
Đầu tiên là lễ "Nạp Thái", theo tục này nhà trai mang sang nhà gái một cặp "nhạn". Sở dĩ đem chim nhạn vì chim nhạn rất chung tình, không sánh đôi hai lần. Tương truyền loài chim nhạn rất thảo ăn, khi chúng gặp mồi thì gọi nhau ăn chung, khi đẻ trứng thì thường nở có một con trống và một con mái mà thôi. Khác với các loại chim khác, chim nhạn khi có một con chết thì một con còn lại cũng buồn rầu mà chết theo.
Tiếp đến là lễ "Vấn Danh", tục này có nghĩa là hỏi tên và họ của cô gái là gì, bao nhiêu tuổi, đã có hứa hôn với ai chưa. Sau đó là lễ "Nạp Cát ", nghĩa là nhà trai sắm sửa lễ phẩm đem sang nhà gái cầu hôn. Tùy theo nhà giàu thì lễ quí, còn nghèo thì chút đỉnh gọi là. Sau lễ "Nạp Cát" là lễ "Nạp Chưng" hay còn gọi là "Nạp Tệ" ("chưng" ở đây có nghĩa là chứng, "Tệ" có nghĩa là lụa) là lễ đem hàng lụa hay vật phẩm quí giá đến nhà gái làm chứng cho sự hứa hôn chắc chắn, rồi chỉ chờ ngày cưới. Tiếp đó là lễ "Thỉnh Kỳ" là nhà trai đến nhà gái để xin định ngày giờ làm Lễ Cưới, nhưng ngày giờ thường do bên nhà trai định, rồi hỏi lại ý kiến bên gái. Và sau cùng là lễ "Thân Nghinh", tục này được thực hiện khi nhà gái đã ưng thuận các lễ của nhà trai, bên nhà trai đem lễ vật sang làm lễ rước dâu về theo ngày giờ đã định trước của hai bên.
Còn ngày nay, nghi lễ cưới - hỏi có phần đơn giản hơn với 3 lễ chính là Chạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ thành hôn (lễ cuới).
Lễ chạm ngõ là lễ tiếp xúc đầu tiên, chính thức của hai gia đình nhà trai và nhà gái. Sau lễ chạm ngõ, người con gái được xem như có nơi có chốn, bước đầu để tiến tới chuyện hôn nhân.
Tiếp đó là đến lễ ăn hỏi, dù là tầng lớp nào thì cũng không thể thiếu được cơi trầu, ngoài ra, tùy theo điều kiện của gia đình nhà trai mà lễ ăn hỏi sẽ có thêm bánh cốm, bánh phu thê, mứt sen, chè, rượu, hoa quả... trong đó bánh "su sê", ngày xưa gọi là bánh "phu thê", là biểu tượng của đôi vợ chồng duyên phận vẹn toàn. Thông thường lễ ăn hỏi gồm có 3 lễ: lễ đàng nội, lễ đàng ngoại và lễ tại gia. Lễ tại gia thường được chia ra đưa kèm theo người được mời cưới.
Sau lễ ăn hỏi hai bên gia đình định ngày để làm lễ thành hôn. Trong lễ thành hôn, khi nhà trai đến đón dâu, cô dâu, chú rể phải thắp hương lên bàn thờ gia tiên nhà gái, đón dâu về đến nhà trai, cô dâu, chú rể cũng phải thắp hương lên bàn thờ gia tiên nhà trai. Nghi thức này như một sự tưởng nhớ đến cội nguồn, tổ tiên, đồng thời báo cáo với tổ tiên về sự xuất hiện của một thành viên mới trong dòng họ. Sau lễ thành hôn, hai vợ chồng và đại diện nhà trai trở lại nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên gọi là lễ lại mặt. Lễ lại mặt thường tiến hành vào ngày thứ hai hoặc thứ tư sau lễ cưới (gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ).