Mềm hóa tiêu chí để khuyến khích phong trào

09:15, 26/03/2009

Năm 2007, tỷ lệ làng, bản văn hóa ở Phú Lương mới đạt 47,6% và chỉ tăng 7,1%  so với năm 1995. Tuy nhiên, năm 2008, tỷ lệ làng, bản văn hóa ở Phú Lương đã đạt 64,4%, tăng 16,8% so với năm 2007 và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI nhiệm kỳ 2005-2010. Có được kết quả như vậy là do Ban chỉ đạo thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH của huyện đã áp dụng cách làm hay, hiệu quả trong bình xét công nhận làng văn hóa.

Xóm Cầu Lân, xã Động Đạt đã có 13 năm đăng ký xây dựng Làng Văn hóa nhưng mới chỉ có 9 năm được công nhận là Làng Văn hóa mặc dù các tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa xóm đều thực hiện khá tốt. Nguyên nhân duy nhất không đạt Làng Văn hóa vào các năm 1999, 2003, 2005, 2006 của xóm là do trong những năm này, xóm đều có người sinh con thứ ba. Tuy nhiên, năm 2008, mặc dù tiếp tục có người sinh con thứ ba nhưng xóm vẫn được công nhận làng văn hóa theo cách bình xét mới mà huyện Phú Lương áp dụng.

 

Theo các bình xét mới này thì tất cả các tiêu chí đánh giá làng, bản văn hóa, gia đình văn hóa và cơ quan văn hóa đều được quy ra điểm cụ thể có tổng 100 điểm. Tổng điểm này được tổng hợp từ số điểm của các điều khoản và các tiêu chí tương ứng với mức độ quan trọng của các điều khoản hay tiêu chí cụ thể đó. Ví dụ, điều khoản xóm, làng không có người sinh con thứ ba được chấm 10 điểm; điều khoản xóm, làng không có người mắc nghiện mới, không có người vi phạm pháp luật bị truy tố… được chấm 25 điểm… Đối với những làng, bản đạt 75 điểm trở lên thì đủ tiêu chuẩn để huyện xét công nhận làng văn hóa.

 

Những kê chỉnh này đã được Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh phê duyệt và đồng ý cho huyện Phú Lương áp dụng từ năm 2008. Phú Lương là một trong những đơn vị của tỉnh tiên phong áp dụng cách tính này và được Ban chỉ đạo xây dựng phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh đánh giá cao về chất lượng và hiệu quả. Việc chia điểm để bình xét các tiêu chí đã khắc phục được nhiều bất cập trong bình xét công nhận làng văn hóa nên không còn xảy ra tình trạng làng văn hóa nhiều năm bị mất danh hiệu chỉ vì có 1 chỉ tiêu nhỏ nào đó không đạt.

 

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng phong trào TDĐKXDĐSVH huyện Phú Lương cho biết: “Với những tiêu chí cứng nhắc trước đây thì chỉ cần có 1 người sinh con thứ 3 hoặc có 1 người đánh bạc là làng, xóm mất danh hiệu văn hóa. Tuy nhiên hiện nay, các làng, bản đó thực hiện tốt các tiêu chí khác thì họ vẵn có cơ hội được công nhận làng , bản văn hóa.”

 

Cách chấm điểm như trên cũng được Ban chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH huyện Phú Lương áp dụng hiệu quả trong công tác bình xét, công nhận gia đình văn hóa và cơ quan văn hóa. Qua đó mang lại hiệu quả cao đồng thời có tác dụng khích lệ lớn với người dân và các xóm bản xây dựng đời sống văn hóa mà không làm giảm chất lượng của phong trào chung. Ông Bùi Đức Tý, Chủ tịch MTTQ xã Động Đạt cho rằng, cách bình xét mới vừa thuận tiện triển khai tới cơ sở vừa giúp ban chỉ đạo các cấp bình xét một cách chính xác nhất. Ông Tý cũng cho rằng việc Cầu Lân được công nhận làng văn hóa theo cách bình xét mới là hoàn toàn xứng đáng bởi đây là một trong những xóm thực hiện rất tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa. Hơn 10 năm qua, xóm Cầu Lân không có tệ nạn xã hội, không có người nghiện ma túy, nhân dân trong xóm thực hiện tốt nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội… Xóm có tới 2 nhà văn hóa là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng được xây dựng từ tiền đóng góp của nhân dân. Năm 2008, Cầu Lân có tới 142/148 hộ đạt gia đình văn hóa và giảm được 5 hộ nghèo. Đặc biệt, năm 2008, xóm vận động đóng góp được trên 100 triệu đồng đồng thời vận động được nhiều gia đình hiến đất mở rộng trên 3km đường cấp phối và đường bê tông trong xóm. Năm 2008, theo các bình xét mới, Cầu Lân được tổng cộng 88 điểm và được công nhận là làng văn hóa. Đồng chí Nguyễn Quang Dần, Bí thư chi bộ xóm Cầu Lân cho biết “Cầu Lân có người sinh con thứ ba mà vẫn được làng văn hóa nên không chỉ Ban vận động xóm vui mà tất cả người dân ở đây ai cũng phấn khởi và hăng thái thi đua xây dựng đời sống văn hóa.”

 

Năm 2008, số làng bản văn hóa của huyện đã đạt 64,4% (năm 2007: 47,6%). Số gia đình văn hóa cũng đạt 83,3%; cơ quan văn hóa đạt 86,1%, cao hơn so với tỷ lệ bình quân toàn tỉnh. Riêng các chỉ tiêu gia đình văn hóa, làng bản văn hóa và số nhà văn hóa cơ sở của huyện đã về trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI nhiệm kỳ 2005-2010 đề ra. Toàn huyện có tới 48/273 làng bản đạt làng, bản văn hóa từ 3 năm liên tục trở lên. Năm 2008, huyện cũng huy động được trên 4 tỷ đồng đầy tư xây dựng các thiết chế văn hóa. Phong trào TDĐKXDĐSVH ở Phú Lương đã khơi dậy tình đoàn kết, tương thân tương ái giúp nhau phát triển kinh tế, chăm lo cho người nghèo. Việc xây dựng gia đình văn hóa thể hiện nét đẹp trong cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Chương trình xây dựng cơ quan, đơn vị có đời sống văn hóa góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức về vai trò, vị trí trong việc xây dựng cơ quan văn hóa.

 

Cũng theo bà Nguyễn Thị Mai thì: “Phong trào TDĐKXDĐSVH đã thực sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, trong từng xóm bản và từng cơ quan, đơn vị”. Năm 2008, tăng trưởng kinh tế của huyện Phú Lương đạt 12%, thu ngân sách đạt 107,6% kế hoạch, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 69 tỷ đồng (bằng 107,8% kế hoạch của tỉnh)… Kết quả trên có phần đóng góp không nhỏ của Phong trào TDĐKXDĐSVH.