Ngõ lỗ thủng – câu chuyện buồn của một thời đã xa

16:08, 14/03/2009

Chuyển thể từ hai cuốn tiểu thuyết "Ngõ lỗ thủng" và "Tiễn biệt những ngày buồn" của nhà văn Trung Trung Đỉnh, bộ phim tái hiện cuộc sống của những người dân trong giai đoạn chuyển tiếp từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường.

Đối với những người trẻ như tôi sinh ra vào thời bao cấp nhưng lớn lên thì thời bao cấp đã qua rồi, vì thế Ngõ lỗ thủng là cơ hội nhìn nhận rõ nét hơn về một thời chỉ nghe người già kể lại. Khu tập thể cũ kỹ với màu nâu vàng u buồn, với hình ảnh cửa hàng chất đốt tôi chỉ có thể nhìn thấy qua phim bởi khi tôi lớn lên những hình ảnh ấy đã trở thành dĩ vãng… Nhưng những hình ấy lại rất thân thiết với nhiều thế hệ người Việt Nam

 

Bộ phim xoay quanh cuộc sống của một khu tập thể và một xóm liều với đầy đủ thành phần từ trí thức, bộ đội xuất ngũ, thợ thủ công, lao động tự do… Người xem không thể quên hình ảnh Xoay - một nhà văn, biên tập viên thật thà chất phác nhưng lại yêu Sương - một người đàn bà nhiều toan tính và sống thực dụng. Còn Bình - biên tập viên Báo Hạnh phúc nhưng  bản thân chẳng thể chạm nổi đến hai từ hạnh phúc bởi có một cô vợ lúc nào cũng nghĩ đến tiền. Đặc biệt là Ron- người của một thời: máy móc, ngộ nhận…Xung đột của các nhân vật được đẩy đến tận cùng, qua đó tính cách, tình cảm của nhân vật được bộc lộ một cách chân thật, trọn vẹn.

 

Cùng với các nhân vật trí thức, phim còn đề cập đến cuộc sống phức tạp nhưng không kém phần sinh động của những người dân lao động. Đó là hình ảnh bà Còng - tổ trưởng dân phố - luôn tích cực vá cái lỗ thủng nơi bức tường ngăn cách khu tập thể với công viên mà đám thanh niên vẫn thường rình mò các cặp tình nhân. Đó là gia đình ông Thống với ông bố nghèo đành bất lực nhìn những đứa con (Sương và Hạnh) dần tuột khỏi vòng tay mình với lối tư duy thực dụng của lớp trẻ. Ấn tượng nhất anh Gù (Nghệ sĩ Ưu tú Trung Hiếu) bán hàng nước, tưởng  như dữ dằn nhưng sâu thẳm trong trái tim luôn thèm khát một tình yêu, một mái ấm gia đình với cô Hạnh

 

Tên của các nhân vật trong phim như Xoay, Ron, cụ Điếc hay bà Còng… có phần ước lệ nhưng  không rơi vào tình trạng nhân vật giả. Hạnh (một nhân vật bỏ học đi làm “phe”, từng bồ bịch, làm nhiều nghề buôn bán) là nhân vật được chăm chút nhất. Hạnh có một vẻ đẹp riêng vì đã dám sống thật, qua tính cách của nhân vật này cho thấy dù ở bất kỳ góc độ nào, con người nào thì cũng nên trung thực với chính mình.

 

Sau những Chạy án, Cổ vật, Ngõ lỗ thủng ít nhiều đã kéo được khán giả đến trước màn hình mỗi buổi tối vào giờ vàng. Bộ phim chuyển tải đến người xem những vấn đề mang tính triết luận sâu sắc qua hình ảnh lỗ thủng: lỗ thủng thực tế, lỗ thủng xã hội, lỗ thủng nhân cách, lỗ thủng văn hóa. Không chỉ ở thời bao cấp mà cho đến hôm nay có những lỗ thủng vẫn tồn tại, và quan trọng hơn là mỗi người phải tự phát hiện những lỗ thủng để điều chỉnh bản thân mình.