NSƯT Lý Huỳnh: ''Kinh nghiệm 30 phim dồn vào Tây Sơn hào kiệt''

14:20, 11/03/2009

Huy động đến 22 ngàn lượt diễn viên quần chúng, 200 võ sư, 120 cascadeur, 100 voi chiến, 100 ngựa đua, 2.000 binh khí, 10 khẩu súng thần công…, có thể nói Tây Sơn hào kiệt là phim lịch sử hoành tráng nhất từ trước đến nay của hãng phim Lý Huỳnh.

Trong những ngày khởi quay đầu tiên, VTC News đã có cuộc trò chuyện cùng NSƯT - tổng đạo diễn Lý Huỳnh.

- Với một phim điện ảnh thuộc đề tài lịch sử như Tây Sơn hào kiệt, ông đã chuẩn bị trong thời gian bao lâu?

- Ba năm trời tôi ấp ủ khi nhận được kịch bản, một năm đi khắp nơi chọn bối cảnh và sau đó thì quyết định phải thực hiện trong năm nay để chào mừng 1.000 năm Thăng Long.

- Với mức độ hoành tráng gấp nhiều lần các phim thuộc đề tài này mà hãng phim Lý Huỳnh đã từng làm, ông có thấy nó quá sức mình không?

- Nếu tính Tây Sơn hào kiệt nữa thì đây là phim thứ 31 của gia đình tôi. So với các phim gia đình tôi đã từng làm về đề tài lịch sử như: Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Thanh gươm để lại, Sơn thần thủy quái thì phim này có quy mô gấp mười lần.

Tây Sơn hào kiệt thật sự là một bộ phim tâm huyết mà cả đời tôi ấp ủ, kinh nghiệm của 30 phim trước đều tập hợp vào trong cả phim này nên tôi không nghĩ là nó quá sức.

Hơn nữa, thời đó chưa có kỹ xảo phim ảnh như bây giờ mà phim nào tôi làm ra cũng được khán giả quan tâm thì sợ gì với thời công nghệ kỹ thuật tiến bộ như ngày nay.

- Tây Sơn hào kiệt huy động dàn diễn viên hùng hậu nhiều thế hệ, ông có thấy khó khăn trong bảng phân vai không?

- Không. Tất cả diễn viên tôi chọn không qua casting, đồng ý thì ký hợp đồng ngay. Dĩ nhiên không phải ai cũng đồng ý ngay mà phải đọc kịch bản, suy nghĩ kỹ càng và sau đó hầu như không có ai từ chối.

Ngay cả diễn viên Mộng Vân lâu nay không tham gia vào phim ảnh đã rất nhiệt tình khi nghe tôi làm phim này. Tôi nghĩ có được sự ủng hộ mạnh mẽ này là vì tất cả diễn viên tham gia đều có lòng ngưỡng mộ hoàng đế Quang Trung.

- Lực lượng diễn viên quần chúng lên đến 22 ngàn lượt thì phục trang, đạo cụ được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

- Trong phim sử dụng tới 14 ngàn lượt binh khí, 22 ngàn lượt diễn viên quần chúng nên ngốn nhiều phục trang cũng như binh khí. Gần 10 ngàn bộ phục trang và binh khí như cung tên, giáo, mác, kiếm đã được sản xuất riêng cho phim. Riêng 10 cây súng thần công mà mỗi cây hơn chục triệu đồng tôi đặt ông Lê Minh Phương sản xuất. Tất cả đã sẵn sàng cho Tây Sơn hào kiệt.

- Không ai phủ nhận tài năng cũng như võ thuật của Lý Hùng, tuy nhiên để vào vai vị anh hùng áo vải như vua Quang Trung thì “thư sinh” như Lý Hùng liệu có thể đảm đương tốt không?

- Lý Hùng đã từng đảm nhận các vai chính trong Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La… kinh nghiệm “trận mạc” cũng có nhiều. Hình thức bên ngoài không quan trọng vì có thể tận dụng kỹ thuật hóa trang nhưng Nguyễn Huệ là đại anh hùng võ công, khí thế ngất trời nên diễn viên đóng vai phải giỏi võ. Tôi tin Lý Hùng thể hiện tốt được vai này.

- Một bộ phim hoành tráng, quy mô lớn nhưng tổng số vốn đầu tư chỉ ở khoảng 12 tỷ đồng, e rằng phim sẽ không “tới” lắm, thưa ông?

- Thật sự, nếu chỉ với bấy nhiêu tiền đó thì không thể làm nổi một bộ phim quy mô như thế này. Tây Sơn hào kiệt đã may mắn nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt của các tỉnh, thành, tập thể và cá nhân. Và thông qua Hội Điện ảnh TP.HCM, Ban tổ chức đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cũng đã hỗ trợ chúng tôi 2 tỷ đồng.

- Với sự hỗ trợ tối đa của nhiều nơi, ông có tin phim sẽ thành công được như mong đợi?

- Tôi tin chắc điều đó. Đây là bộ phim tâm huyết tôi chờ đợi gần cả đời để thực hiện, bao nhiêu kinh nghiệm làm phim dồn hết vào nó.

- Kịch bản Tây Sơn hào kiệt hiện đang có tranh chấp về tên tác giả giữa ông Cao Đức Trường và Phạm Thùy Nhân, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Vụ tranh chấp này có ảnh hưởng đến tiến độ làm phim không?

- Không ảnh hưởng gì, phim vẫn quay đúng tiến độ. Tôi nghĩ đó là vấn đề hai tác giả Cao Đức Trường và Phạm Thùy Nhân tự giải quyết với nhau, chúng tôi đặt kịch bản từ anh Phạm Thùy Nhân nên chỉ biết anh Nhân là tác giả.

- Xin cảm ơn ông.