Cuốn sách ''Eddie Adams: Vietnam'' vừa được nhà xuất bản Umbrage Editions (Mỹ) xuất bản là cuốn sách đầu tiên của phóng viên ảnh Eddie Adams ra mắt độc giả.
Điểm nhấn của "Eddie Adams: Vietnam" cũng như triển lãm ảnh đang được tổ chức tại thành phố New York cho đến hết ngày 30/4 là bức ảnh nổi tiếng nhất của Adams khi ông là phóng viên hãng thông tấn AP trong chiến tranh Việt Nam - ảnh chụp viên tướng Nguyễn Ngọc Loan, chỉ huy cảnh sát của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đang chĩa súng vào đầu một người bị nghi là "Việt cộng" ngay trên một đường phố Sài Gòn ngày 1/2/1968, những ngày đầu tiên của sự kiện Tết Mậu Thân 1968.
Bức ảnh đã đoạt liên tiếp hai giải thưởng trong năm 1969, đó là giải Pulitzer, giải thưởng báo chí danh giá của Mỹ, cho thể loại ảnh sự kiện tại chỗ và Giải thưởng ảnh báo chí thế giới. Bức ảnh được giới phê bình nhiếp ảnh đánh giá là một trong những bức ảnh lớn của thế kỷ 20.
Bức ảnh trở thành biểu tượng cho sự hung tàn của một cuộc chiến tranh: sự lạnh lùng của người hành hình một người khác, ngay giữa ban ngày, ngay trên mảnh đất cùng được sinh ra. Tấm ảnh ấy đã thổi bùng nhiệt huyết chống chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam trên toàn thế giới.
Cuộc xử bắn dã man này cũng được phát hình trên sóng của đài NBC và tác động mạnh đến chính trường nước Mỹ năm đó. Làn sóng phản đối chiến tranh dâng cao và sau đó hai tháng, Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên bố rút khỏi cuộc tranh cử nhiệm kỳ sau.
Khi đó, bình luận về bức ảnh này, Adams, từng là phóng viên ảnh của báo "Time", nói rằng mặc dù tướng Loan có thể được quân lính của ông ta ngưỡng mộ nhưng "trong bức ảnh tôi không nói rằng điều ông ta đã làm là đúng".
Trong sách ảnh của Adams được xuất bản còn có nhiều bức ảnh khác về chiến tranh Việt Nam và nhiều ảnh trong số khoảng 500 ảnh được giải thưởng của Mỹ và nhiều tổ chức trên thế giới mà ông giành được trong 45 năm cầm máy.
Ông đoạt nhiều giải thưởng với các bức ảnh chụp về 13 cuộc chiến tranh, từ chiến tranh Triều Tiên đến chiến tranh Kuwait năm 1991 và về những nhân vật nổi tiếng thế giới như Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, lãnh tụ Cách mạng Cuba Fidel Castro,... Trong bộ sưu tập ảnh của ông còn có ảnh cá nhân của 7 Tổng thống Mỹ và 65 nguyên thủ các nước.
Phóng viên Adams qua đời tại New York năm 2004 do biến chứng teo cơ dẫn đến xơ cứng.