''Tây Sơn hào kiệt'' trả tên cho Cao Đức Trường

08:57, 09/03/2009

Sau cuộc họp lần thứ ba, kịch bản ''Tây Sơn hào kiệt'', bộ phim có kinh phí đến 10 tỉ đồng, đã được thống nhất trả lại tên cho tác giả Cao Đức Trường kèm theo một số điều kiện cần thiết.

Từ hợp đồng hợp tác viết kịch bản

Ông Cao Đức Trường, nguyên Trưởng phòng Văn hoá - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành uỷ, có tặng cho NSND Huy Thành cuốn kịch bản hát bội Chất ngọc không tan. Trong đó có vở Đào mai tương ngộ. Ông Cao Đức Trường kể lại: "Khi anh Huy Thành thấy vở này (Đào mai tương ngộ) hay, rất thích, đặc biệt là ý tưởng: Bắc Nam hòa hợp trong vở.

Vì thích ý tưởng này đã đề nghị tôi làm một đề cương kịch bản. Khi xem đề cương, anh nói rằng tôi mạnh về sân khấu nên muốn kiếm một tên tuổi biên kịch điện ảnh nữa thêm vào. Khi 3 cái tên này cộng lại thì mới cho ra một tác phẩm khá để đi dự thi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Thế là chúng tôi làm hợp đồng hợp tác viết kịch bản".


Ông Trường đưa ra bản hợp đồng số 01/HP/BN ký ngày 2/1/2002 của Hãng phim Bến Nghé với Điều 1"đặt hàng 3 tác giả viết kịch bản phim dã sử VN, tạm đặt tên "Sắc đào giữa rừng mai" để đưa vào sản xuất nhằm hưởng ứng cuộc phát động chương trình Ngàn năm Thăng Long". Điều 2 của bản hợp đồng này ghi rõ "Tác giả Cao Đức Trường là người viết tổng thể bước đầu theo ý tưởng đã nhất trí với hai đồng tác giả Phạm Thuỳ Nhân và Huy Thành. Từ bản viết tổng thể bước đầu này, ba tác giả sẽ bàn bạc thống nhất viết tiếp để hoàn chỉnh kịch bản". Và trong bản hợp đồng ứng trước cho ông Cao Đức Trường 2 triệu đồng.

Sau khi kịch bản hợp tác theo đơn đặt hàng của Hãng phim Bến Nghé ra đời có tên là Ngàn năm thương nhớ, gồm 2 tập, được gửi đi dự thi thì ông Trường đã lập tức viết ngay thư gửi ông Huy Thành và bày tỏ quan điểm của mình về kịch bản này.

Thư viết tay của ông Trường được viết vào ngày 10/3/2003, nội dung: "Thật đáng tiếc tôi không được đọc lại kịch bản "Ngàn năm thương nhớ" trước lúc gửi ra Hà Nội. Sau khi đọc tôi thấy có nhiều điều phải trao đổi và nhất định phải điều chỉnh". Kèm theo bức thư là mười mấy trang giấy viết tay ông Trường yêu cầu điều chỉnh.

Ngoài những điểm chưa chính xác về lịch sử, cách xưng hô của nhân vật, hình ảnh và chữ nghĩa trong kịch bản Ngàn năm thương nhớ, ông Trường khó chịu vì tên ông Phạm Thuỳ Nhân được để lên đầu tiên. Ông Cao Đức Trường cho biết thêm: "Theo lời Huy Thành nói thì tác phẩm Ngàn năm thương nhớ được giải khuyến khích của cuộc thi Ngàn năm Thăng Long, chứ tôi cũng chưa thấy quyết định khen thưởng. Giải thưởng 10 triệu thì tôi được chia 3 triệu. Nhưng có một chi tiết lạ làm tôi bắt đầu chú ý. Một bài báo năm 2003 giới thiệu tác phẩm này nhưng không có tên tôi, chỉ có Phạm Thùy Nhân và Huy Thành mà tôi được lãnh 3 triệu tiền thưởng. Sự việc từ đó đến nay cũng im tiếng".

Ba lần gửi đơn đòi tên

Gần đây, sau khi đọc báo thấy thông tin bộ phim Tây Sơn hào kiệt với tên tác giả Phạm Thùy Nhân được gia đình Lý Huỳnh bỏ tiền làm phim. Thấy bất ổn, ông Cao Đức Trường xin kịch bản Tây Sơn hào kiệt về đọc và ông té ngửa vì không khác với Ngàn năm thương nhớ bao nhiêu. Ông khẳng định: "Khi đọc xong kịch bản Tây Sơn hào kiệt, tôi mới biết phần của mình trong kịch bản này nhiều quá. Tây Sơn hào kiệt là rút gọn từ 2 bộ Ngàn năm thương nhớ, lại thêm 2 nhân vật Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu. Nếu so sánh 2 bản thì hằng hà sa số lời thoại của tôi, sự kiện của tôi được đưa vào đây. Tổng kết trong Tây Sơn hào kiệt có 64 chỗ giống nguyên câu của tôi. Biên kịch là dựa trên cốt truyện tổ chức sự kiện, trên cơ sở đó viết lời thoại. Còn trong Tây Sơn hào kiệt, từ cốt truyện cho tới lời thoại đều giống với bản viết tay của tôi. Do đó mà tôi khiếu nại!".

Ngày 25/2/2009, cuộc họp đầu tiên được triệu tập tại Hội Điện ảnh TP.HCM. Kết thúc cuộc họp này, ông Trường cho biết: "Nói cho công bằng thì tôi có nghe Phạm Thùy Nhân nói là đồng tác giả cũng được. Tôi vẫn không hiểu vì lý do gì sau đó ông Huy Thành nói với tôi Tây Sơn hào kiệt vẫn để Phạm Thùy Nhân đứng tên một mình, nhưng trong phần giới thiệu phim ghi là phóng tác từ Ngàn năm thương nhớ. Tôi không đồng ý. Vì đây không phải là phóng tác. Lời thoại vẫn là của tôi, truyện là của tôi. Tôi không đồng ý nên đi qua Sở khiếu nại tiếp!".

Ngày 26/2/2009, Sở VH-TT-DL triệu tập cuộc họp với ông Cao Đức Trường, kết thúc cuộc họp thông báo là không đồng ý về việc ông Trường khiếu nại. Ông Trường bức xúc: "Trước việc phân xử không xong này, tôi về tính cách riêng của mình. Tôi phải được đồng tác giả như cái hợp đồng đã ký. Ban đầu đã ký hợp đồng, vui vẻ hợp tác với nhau thì bây giờ nên như vậy để không mất lòng, phiền phức. Tôi muốn phải phục hồi lại tên mình theo tinh thần của hợp đồng đã ký. Lời thoại của tôi thì không thể là phóng tác. Tất nhiên trong này có lời thoại của Phạm Thùy Nhân nhưng tôi đã tôn trọng ông ấy thì ông ấy cũng phải tôn trọng tôi chứ!". Ngay sau buổi họp, ông Cao Huy Trường "chuẩn bị tư thế thưa ra tòa để bảo vệ tác quyền".

Vào ngày 5/3/2009, sau bài viết "Tây Sơn hào kiệt" vừa khởi quay đã bị doạ kiện, Sở VH-TT-DL tổ chức buổi họp hoà giải các tác giả. Buổi họp vắng mặt ông Phạm Thuỳ Nhân vì lý do đi dạy học. Ông Huy Thành đã đồng ý theo đề nghị của ông Cao Đức Trường phục hồi lại ba tên với tư cách đồng tác giả.

Vì sao ông Cao Đức Trường ra điều kiện?

Mặc dù đồng ý với cách giải quyết trên nhưng ông Cao Đức Trường vẫn ra điều kiện. Điều kiện của ông: "Phục hồi lại 3 tên tác giả như hợp đồng đã ký. Thứ tự tên tuổi cũng phải theo thứ tự hợp đồng ban đầu chứ không có chuyện đặt Phạm Thùy Nhân lên trên như cuốn Ngàn năm thương nhớ được. Điều này tôi đã nói với ông Huy Thành từ năm 2003 rồi. Yêu cầu có cuộc gặp giữa nhà sản xuất và ba tác giả để cho minh bạch về tiền nhuận bút, yêu cầu phải có hợp đồng giữa nhà sản xuất và ba tác giả vì tôi cũng là tác giả và chưa hề có sự ủy quyền cho ai đi bán tác phẩm này. Và khi đã gắn tên tôi vào với tư cách là tác giả thì tôi có quyền can thiệp vào những nội dung không phù hợp".

Lý do ông Trường muốn được chỉnh sửa kịch bản vì ông cho rằng có nhiều điểm sai cần phải sửa. Một trong những việc ông gọi là tầm bậy là đưa thêm nhân vật Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu vào. Ông giải thích: "Nó sai với lịch sử, vì trong chiến dịch ra Bắc hai lần của Nguyễn Huệ đều không có mặt của Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu". Ngoài ra, trong kịch bản còn vô số cách xưng hô tuỳ tiện. Gọi công chúa Ngọc Hân là "em", "nàng".