Ông Cao Đức Trường cho rằng kịch bản ''Tây Sơn hào kiệt'' phải có tên ông chứ không được chỉ có tên Phạm Thuỳ Nhân. Còn ông Phạm Thuỳ Nhân thì nhất định cho rằng "Tây Sơn hào kiệt" là của ông.''Tây Sơn hào kiệt'': Bộ phim lịch sử ''bom tấn'' của gia đình Lý Huỳnh
Bộ phim sẽ sử dụng nhiều đại cảnh cần đến 100 voi chiến, 100 ngựa chiến, hàng chục ngàn bộ trang phục, binh khí các loại; 10 khẩu đại bác thần công được sản xuất để phục vụ trong các cảnh giao chiến. Đoàn làm phim còn huy động hơn 200 võ sư vào các vai tướng lĩnh, khoảng 15.000 lượt diễn viên quần chúng là các võ sinh vào vai quân sĩ Tây Sơn, quân sĩ triều Lê, quân sĩ chúa Trịnh và quân Thanh.
Kịch bản thiếu tên đồng tác giả
Khi Hãng phim Lý Huỳnh và Hội Điện ảnh TP.HCM chấp nhận kịch bản Tây Sơn hào kiệt là lúc xảy ra tranh chấp về kịch bản này. Ông Cao Đức Trường cho rằng kịch bản Tây Sơn hào kiệt phải có tên ông chứ không được chỉ có tên Phạm Thuỳ Nhân. Còn ông Phạm Thuỳ Nhân thì nhất định cho rằng Tây Sơn hào kiệt là của ông.
Sự việc bắt đầu từ 5-6 năm về trước, ông Cao Đức Trường có bản thảo tên Đào mai tương ngộ. Đạo diễn - NSND Huy Thành đề nghị viết thành kịch bản phim. Lúc đó, kịch bản phim Ngàn năm thương nhớ ra đời từ Đào mai tương ngộ, có đồng tác giả gồm 3 người Cao Đức Trường, Huy Thành và Phạm Thuỳ Nhân.
Tuy nhiên, khi xuất hiện kịch bản phim Tây Sơn hào kiệt, được cho rằng có xuất phát từ hai kịch bản Đào mai tương ngộ và Ngàn năm thương nhớ và chỉ có tên tác giả Phạm Thuỳ Nhân. Xung đột đã xảy ra tại chỗ này.
Nhà biên kịch Phạm Thuỳ Nhân giải thích về sự ra đời của Tây Sơn hào kiệt: "Lúc đầu tôi định lấy từ kịch bản Ngàn năm thương nhớ. Nhưng có hai nhân vật lịch sử mà để tên vào ai cũng biết thì không giống với lịch sử cũng không hay. Cho nên chúng tôi thống nhất đổi tên nhân vật, không lấy tên Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu mà lấy một cái tên A, B nào đó. Anh Lý Huỳnh, Lý Hùng và nhóm sản xuất đã đồng ý đổi tên như một cận tướng đi theo Quang Trung cũng là chuyện bình thường mà không đụng chạm đến nhân vật lịch sử nào. Tôi đã đem cái phần mình sáng tạo, sưu tập sử liệu bỏ vào Ngàn năm thương nhớ nhưng nó không xuất hiện được thì tôi lấy phần đó ra lại, cộng thêm phần viết thêm, lấy tên mới là Tây Sơn hào kiệt".
Ông Phạm Thuỳ Nhân cho biết thêm: "Tôi chỉ nghĩ hồn nhiên là những cái gì tôi đã góp vào làm trong đó (Ngàn năm thương nhớ) và kịch bản không tiến hành được thì giờ tôi làm cái này (Tây Sơn hào kiệt). Cũng một đề tài thì tôi lấy một phần của tôi ra để phát triển cái của tôi. Tôi không có suy nghĩ "hất" anh Trường ra vì anh Huy Thành từ đầu tới cuối đã làm chứng tất cả. Tôi không cần tranh chấp, tôi chỉ nói là "cái gì của Cesar hãy trả về cho Cesar". Tôi lấy phần đó vì nó là sức lao động của tôi. Bản thân tôi không phải là người thích tranh chấp, vì tên tuổi cũng không cần thiết phải tranh chấp, có thêm cái này cũng không phải là vấn đề".
Lý Huỳnh không quan tâm đến tranh chấp!
Mặc dù biết đến sự tranh chấp này nhưng NSƯT Lý Huỳnh không quan tâm mấy. Ông cho biết: "Tôi chỉ biết đến Tây Sơn hào kiệt của ông Phạm Thuỳ Nhân!". Còn ông Phạm Thuỳ Nhân yêu cầu tôi ghi như thế nào lên phim thì tôi làm thế đó".