Ấn tượng Lễ hội văn hóa trà

09:04, 24/04/2009

Mùa du lịch Thái Nguyên 2009 đã chính thức khai mạc vào tối 17/4 với Lễ hội Văn hóa trà mang chủ đề “Hương sắc chè Thái Nguyên” do Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh tổ chức. Chương trình đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách khi thể hiện được khá đậm những nét văn hóa đặc sắc của Thái Nguyên.

 

Diễn ra tại trung tâm Khu du lịch Hồ Núi Cốc, chương trình giao lưu văn hóa trà đã phần nào lôi cuốn du khách bởi không gian huyền thoại giữa vùng đất của truyền thuyết nàng Công, chàng Cốc.

Tại Lễ hội Văn hóa trà này, Ban Tổ chức lần đầu tiên trình diễn phần Lễ với hai nghi lễ chính thể hiện sự tôn kính với những thế hệ đi trước đã có công xây dựng và phát triển các vùng chè cũng như văn hóa chè Thái Nguyên. Đó là nghi lễ dâng trà lên Thánh mẫu đại diện cho văn hóa tín ngưỡng dân tộc Kinh được thể hiện qua điệu múa, hát chầu văn. Nghi lễ dâng trà lên Pụt (vị thần trong tín ngưỡng dân tộc Tày) đại diện cho văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Tày được thể hiện qua màn múa hát trên nền các giai điệu then cổ. Hai nghi lễ này đặc trưng cho hai dân tộc chiếm đa số ở Thái Nguyên và có ý nghĩa dung hòa các đặc trưng văn hóa trà giữa các dân tộc trong tỉnh. Ông Mông Đông Vũ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh cho biết: “Đây là nét văn hóa đặc sắc mà Trung tâm Văn hóa tỉnh đã dầy công sưu tầm để giới thiệu rộng rãi”

Du khách cảm nhận được những nét quen thuộc mà cũng rất mới lạ của văn hóa trà Thái Nguyên. Quen thuộc bởi trà là thức uống phổ biến trong đời sống sinh hoạt hằng ngày và cũng là thú vui tao nhã của người Thái Nguyên. Lạ là bởi không gian thưởng thức trà giao hòa với thiên nhiên, giao hòa với âm nhạc dân tộc. Các loại chè ngon, chè đặc sản từ các vùng chè nổi tiếng được giới thiệu cho đông đảo du khách thưởng thức. Bên cạnh đó, nghệ thuật pha trà, thưởng trà cũng được những thiếu nữ mặc trang phục truyền thống giới thiệu tới các du khách trên nền các làn điệu dân ca quan họ, hát then, chầu văn… Lần đầu tiên dự Lễ hội, chị Đặng Thị Liên, tổ 13, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) tâm sự: “Qua Lễ hội, tôi hiểu thêm nhiều về Văn hóa trà của tỉnh mình”.

Ngoài thưởng thức chè đặc sản, du khách còn được giao lưu trực tiếp với những người gắn bó với chè Thái Nguyên. Nhà giáo Nhân dân Trịnh Trúc Lâm - một người đã gắn bó lâu năm và có nhiều tâm huyết với chè Thái cho rằng, văn hóa trà Thái Nguyên có sự cộng hưởng, giao thoa với văn hóa giao tiếp. Có khách đến chơi, mỗi người Thái Nguyên lại pha trà mời khách. Thông qua chén trà, chủ nhà thể hiện lòng hiếu khách, thịnh tình. Đáp lại tấm chân tình của người dâng trà, khách cũng dễ dàng thổ lộ tâm sự. Qua chén trà, chủ và khách thêm tâm đồng ý hợp trong câu chuyện, mọi sự đố kỵ cũng qua đó mà tan biến. Nhà giáo Nhân dân Trịnh Trúc Lâm cũng cho rằng, uống trà còn là để tâm giao, thưởng thức trà được coi là một nghệ thuật tinh tế. Ông Phạm Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) đồng thời cũng là một người làm chè giỏi cho biết, với hơn 400ha chè và khoảng 1 nghìn hộ sản xuất, cả xã Tân Cương cung cấp mỗi năm gần 1 nghìn tấn chè búp khô ra thị trường.

Lễ hội Văn hóa trà khai mạc mùa du lịch Thái Nguyên 2009 được khép lại với màn múa hát “Giã bạn” như lời chia tay lưu luyến với du khách đồng thời cũng là lời khẳng định, du lịch Thái Nguyên với những sản phẩm văn hóa đặc sắc luôn chào đón du khách thập phương tìm hiểu và khám phá. Hoạt động có ý nghĩa này không những hứa hẹn một mùa du lịch thành công mà còn để lại ấn tượng đẹp với mỗi du khách về nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của Thái Nguyên.