Về xã Mỹ Yên (Đại Từ), chúng tôi được lãnh đạo xã giới thiệu đến một xóm điển hình 12 năm liền duy trì và giữ vững danh hiệu khu dân cư tiên tiến - làng văn hóa
Xóm Đầm Gành hiện ra trước mắt chúng tôi với những con đường làng phong quang, sạch đẹp, những đồi chè xanh mướt. Qua câu chuyện với bà con, chúng tôi được biết: Từ năm 1995 trở về trước, đời sống của nhân dân xóm Đầm Gành thật khó khăn, thiếu ăn trong lúc giáp hạt, an ninh, trật tự xã hội lại phức tạp, trộm cắp xảy ra liên miên ảnh hưởng lớn đến đời sống và tâm lý nhân dân. Điều mà người dân nơi đây mong ước chỉ là “dân cần cơm no, áo ấm, học hành, hưởng thụ văn hóa, dân cần dân chủ thực sự, dân cần phát huy lòng yêu nước để xây dựng quê hương” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với 6 nội dung, 8 mục tiêu được triển khai đã đáp ứng được cái mà cộng đồng dân cư đang cần.
Để thực hiện thắng lợi Cuộc vận động, xóm đã thành lập Ban công tác Mặt trận gồm 10 đồng chí, do đồng chí Bí thư chi bộ làm trưởng ban, đồng chí Trưởng xóm làm Phó ban. Ngay khi thành lập, Ban Công tác Mặt trận đã xây dựng quy chế sinh hoạt bám vào Nghị quyết của Đảng uỷ - HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ xã và Nghị quyết của chi bộ để lãnh đạo, hoạt động cho sát với tình hình thực tế ở cơ sở. Ban Công tác Mặt trận lấy ngày mùng 3 hàng tháng để tổ chức giao ban, sau đó các đoàn thể triển khai tới nhân dân, hội viên, đoàn viên trước ngày 10 hàng tháng, rút kinh nghiệm nhằm đánh giá những mặt mạnh, tìm ra điểm yếu kém để có những giải pháp khắc phục. Nhờ vậy, từ năm 1996 đến nay, Ban đã triển khai, vận động nhân dân hoàn thành tốt các mục tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương.
Nhờ tuyên truyền, vận động, bà con nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 11,8 ha đất canh tác. Nhiều giống lúa lai, ngô, đậu tương mới cho năng suất, chất lượng cao được người dân đưa vào đồng ruộng đã góp phần tăng thu nhập cho dân. Ngoài sản xuất lương thực, nhân dân trong xóm còn hăng hái cải tạo, chăm sóc 8 ha chè, 12,7 ha đồi rừng, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, mở rộng ngành nghề, dịch vụ cải thiện đời sống. Đến nay, Đầm Gành không còn hộ đói, số hộ khá, giàu tăng. Năm 2003, cả xóm có 8 hộ nghèo trong tổng số 51 hộ thì đến năm 2008 giảm xuống còn 4 hộ, bằng 7,8%. Số hộ nghèo này là chủ yếu là do tuổi cao, hộ có người ốm đau thường xuyên hay chuyển từ nơi khác về. Hiện, 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn, 90% số hộ có phương tiện xe máy, 95% số hộ có nhà kiên cố và bán kiên cố, 100% số hộ được sử dụng nước sạch. Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của người dân cũng được nâng lên. Các phong trào văn hóa, văn nghệ được xóm duy trì thường xuyên. Hàng năm, Đầm Gành đều tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao vào các dịp lễ, tết. Chi hội Phụ nữ xóm xây dựng được 2 câu lạc bộ không sinh con thứ 3 và Câu lạc bộ 4 chuẩn mực gia đình Việt Nam “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Mặc dù trong xóm có 7 cặp sinh con một bề nhưng nhờ các câu lạc bộ và hoạt động của chi hội mà suốt 15 năm qua Đầm Gành không có người sinh con thứ ba.
Với các kết quả trên, 12 năm qua (từ năm 1996 - 2008) xóm Đầm Gành luôn đạt danh hiệu Khu dân cư tiên tiến - Làng văn hóa. Năm 2008, xóm có 85% số hộ đạt gia đình văn hóa. Nói về kinh nghiệm duy trì và giữ vững danh hiệu khu dân cư tiên tiến, làng văn hóa của Đầm Gành, ông Hoàng Quốc Hùng, Trưởng ban Công tác Mặt trận Đầm Gành cho biết: Để có được thành tích trên, Ban Công tác Mặt trận phối hợp chặt chẽ với Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân; vận dụng sáng tạo các nghị quyết của Đảng, HĐND, UBND vào chương trình công tác mặt trận phù hợp với thực tế địa phương. Đồng thời, chúng tôi cũng thực hiện duy trì tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; xây dựng, điều chỉnh quy ước, hương ước của xóm phù hợp trong từng thời điểm…