Theo lời giới thiệu của mọi người chúng tôi đến thăm "Bảo tàng văn hoá gia đình" của Ông Phạm Đức Thoả, ở Phường Thịnh Đán, Thành phố Thái Nguyên.
Trong khuôn viên hơn 800 m2, ông Thỏa trồng hơn 20 loại cây cảnh, nhiều cây có giá trị từ 15 triệu đồng trở lên. Với bàn tay khéo léo, ông Thỏa đã tạo nên những hòn non bộ, cọn nước, cối giã gạo, nước chảy lách tách suốt ngày đêm, tạo nên một phong cảnh núi rừng thu nhỏ đầy thơ mộng.
Bất ngờ hơn, chúng tôi được vào xem gian sưu tập gỗ lũa nghệ thuật với nhiều tác phẩm độc đáo: Con voi giữ nước; Nữ tướng ngủ trên lưng voi; Đầu rồng cổ vật Thăng Long; Điện Biên phủ trên không… vừa có ý nghĩa lịch sử, nhân văn, vừa có tính thẩm mỹ cao. Các con vật khác như Rồng đất, Cầy vằn, Báo gấm, Tê giác; Khổng Long, vv… cũng làm cho người ngạc nhiên.
Đặc biệt, bộ sưu tập gỗ lũa mô tả Thập nhị giáp ( Mười hai con giáp), có thể coi là “độc nhất vô nhị”. Từ gốc cây gỗ lũa trong tự nhiên, với ý tưởng phong phú và bàn tay khéo léo ông Thỏa đã tạo nên Mười hai con giáp hoàn hảo, sống động có hồn.
Khi hỏi về đầu tư để có những bộ sưu tập trên? ông cho biết gia đình cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua lại những hiện vật trên. Hiện nay, có nhiều hiện vật "vô giá".
Bộ sưu tập trong “bảo tàng văn hoá gia đình” thể hiện nét văn hoá tâm linh, ứng nhiệm trong cuộc sống của mỗi con người và còn mang tính bảo vệ các con vật, bảo vệ môi trường cây xanh, bảo vệ sinh thái tốt. Đó là khát vọng luôn hướng tới cái đẹp, "Chân, Thiện, Mỹ" của con người trong đời sống tự nhiên và xã hội.