Góc chợ ven làng

15:58, 11/04/2009

Chúng tôi đã về một số làng nhỏ ở Phú Bình, Phổ Yên, Đại Từ… đâu cũng có những quán nhỏ, chợ nhỏ ven làng quê. Mỗi khi bà con đi làm đồng về thường ghé vào các quán nhỏ ven làng để mua mớ rau, con cá hoặc mua vài lạng thịt lợn, thịt bò với giá cả hợp túi tiền của người nông dân.

Chúng tôi đã so sánh một kg tép bán ở chợ huyện là 15.000 đồng thì ở chợ nhỏ góc làng là 10.000 đồng. Một kg thịt lợn cũng rẻ hơn chợ chính từ 1 đến 2 nghìn đồng. Bà con đến mua bán vui tươi, niềm nở. Tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ của ai đó viết:

 

" Em đi ra chợ đông người

Bán mua thì cũng lựa lời cho nhau

Người mình cả có ai đâu

Thiệt hơn thì cũng mớ rau củ hành".

 

Đúng là người mua, người bán đều trong làng, thậm chí toàn anh em họ hàng. Làm sao phải đắn đo thiệt hơn, nhưng khi đã gọi là mua và bán thì vẫn mặc cả lên xuống một hai trăm đồng. Tôi hỏi người bán hàng ở góc làng Phương Độ, xã Xuân Phương (Phú Bình):

- Bán mớ rau, củ hành thế này có ai nợ tiền không?

- Có chứ chú. Bà con đi làm đồng về, tranh thủ ghé vào mua nấu ăn trưa, họ thường không mang theo tiền nên nhiều người ký nợ đấy.

- Có ai nợ nhiều không? Tôi hỏi tiếp

- Không nhiều lắm, hôm trước hôm sau là họ trả thôi.

 

Có thể nói, góc chợ ven làng là một nếp sống văn hoá đẹp của mỗi làng quê. Ở đây còn là trung tâm tập trung đông người khi đi làm đồng về, họ trao đổi công việc, chuyện trò thật vui vẻ.

 

Chợ nhỏ ở các làng quê một phần không thể thiếu ở nông thôn. Nó giúp cho người nông dân có nhiều thuận lợi trong sinh hoạt gia đình. Mỗi làng quê nên quy hoạch chỗ ngồi ngăn nắp và gọn gàng hơn để cái chợ nhỏ ven làng luôn giữ được vệ sinh, sạch đẹp. Và vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần được coi trọng hơn…